Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế, cao nhất 6%

Đông Bắc 14:40 | 30/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau kết quả của 9 tháng và dựa trên dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng trong quý IV và cả năm 2023.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản  tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

Cụ thể, có 3 kịch bản được đưa ra, trong đó cao nhất là 6%. Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng  10,6%.

“Tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

 

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Cũng theo Bộ trưởng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,9%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2023.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% (tháng 4/2023) về mức 4,7% trong năm 2023. HSBC đánh giá triển vọng đầu tư nước ngoài và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt.

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024.

Đánh giá về cơ hội của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên,  nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường, như sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát…

Cùng với đó, rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 

 Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh VGP.

Giải ngân Chương trình Phục hồi vẫn chậm

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 21 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, một khối lượng lớn công việc đã hoàn thành. Giải ngân các chính sách thuộc Chương trình cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 95.700 tỷ đồng. Trong đó, cho vay 5 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 21.019 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2.623 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.679,3 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 781 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 60.243 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, về chi đầu tư phát triển, trong tổng số 176.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết trên 175.200 tỷ đồng. Cùng với đó, theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội, cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để phân bổ 273 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án của tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 49.740 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình triển thực hiện Chương trình Phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một số chính sách có kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Một trong số đó chính là chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Quốc hội đã quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết tháng 8/2023, thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% tổng nguồn lực.

Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Chẳng hạn, khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra; khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15; nhiều hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ...

Ngoài hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện chậm, thì giải ngân chương trình chi đầu tư phát triển cũng tương tự.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết ngày 31/8/2023 đạt khoảng 49.740 tỷ đồng, tức mới đạt khoảng 28,4% số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương (175.217 tỷ đồng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỷ lệ giải ngân đã có chuyển biến tích cực so với tháng 8/2023 (19,3%), tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn kế hoạch vốn của Chương trình (147.138 tỷ đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết từ tháng 9/2022 và Quốc hội đã cho phép áp dụng các chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình. Điều này tạo áp lực giải ngân lớn đến hết kế hoạch năm 2023, khi mà thời gian còn lại để thực hiện Chương trình không còn nhiều, chỉ còn 3 tháng.