Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa các quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4 có phiên họp cho ý kiến báo cáo Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, 2021 là năm ghi nhận tăng trưởng nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Phạm Thuý Chinh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại diện cơ quan thẩm tra, nhận xét việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định. Ngoài ra, có tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có những giải trình và thừa nhận thực tế phát sinh những vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. "Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nề nếp", ông chia sẻ.
Ông Phớc nói thêm, Bộ này có ít nhất 5 thông cáo báo chí, 4 cuộc trao đổi trên truyền hình và các diễn đàn để cảnh báo những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Việc sửa đổi nhằm siết chặt việc chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021 là 176.828 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đưa nhận xét về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông Huệ cho rằng, khoảng 40% trái phiếu phát hành năm ngoái liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Hiện số dư nợ đến hạn phải trả khá lớn.
Theo ông, trước đây khi đến hạn, doanh nghiệp có dòng tiền thì lấy ra trả hoặc tính toán đi vay để trả. Giờ do tác động của COVID-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, vay đảo nợ cũng bị siết... nên không có tiền để trả.
"Một số doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nên khó bán. Hoặc trường hợp dự án có đầy đủ pháp lý thì đang vướng vào các sai phạm nên cũng không có ai mua. Không trả được thì nguy cơ vỡ nợ", Chủ tịch Quốc hội lo ngại.
Ông cho rằng, đây là điểm rất khác so với các năm trước nên Chính phủ cần nêu cụ thể chi tiết và đưa thành mục riêng trong báo cáo chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.