Gói 347 nghìn tỷ vẫn chậm giải ngân, cần hướng nguồn lực thẳng đến doanh nghiệp

Nguyễn Thị Thùy Dung 13:21 | 25/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Đánh giá kinh tế thường niên năm 2021 do trường Đại học kinh tế quốc dân (NEU) công bố sáng 25/4, các chuyên gia khuyến nghị hỗ trợ kinh tế cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Gói hỗ trợ kinh tế: trông chờ đột phá ở khâu thực thi

Với quyết tâm không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội liên quan đến gói chính sách tài khóa - tiền tệ trị giá 347 nghìn tỷ đồng hỗ trợ Chương trình.

Như vậy, ngay từ ngày 1/2/2022, Chương trình hỗ trợ kinh tế quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã đi vào thực thi. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 24 diễn ra ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong năm 2022 bên cạnh thực hiện Chương trình tổng thể phòng chống dịch COVID-19 là triển khai nhanh chóng Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, bởi nền kinh tế đã đuối sức trong 2 năm qua và cần hơn hết những cú hích phục hồi ngay lúc này để đạt những mục tiêu dài hơi hơn.

Nhìn lại năm 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,58%, mức tăng thấp nhất trong khoảng 2 thập kỷ. Để đạt mức tăng trưởng mục tiêu 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, tốc độ tăng trưởng trong 4 năm còn lại (2022-2025) ít nhất phải đạt 7,5%. Trong khi đó, Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đạt 6-6,5%. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế chưa đồng đều và bất ổn địa chính trị toàn cầu tạo ra nhiều thách thức, việc triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi - phát triển kinh tế xã hội là rất quan trọng để hướng tới thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. 

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm nay được nhận định nhiều thách thức nếu không triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển KT-XH

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 diễn ra sáng 25/4 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế từ học viện Tài chính nêu vấn đề: “Chính sách tài khóa (trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội) hiện thực thi chậm, gói hỗ trợ đã ban hành từ tháng 1 nhưng thực hiện đến nay chưa đáng kể, đặc biệt giải ngân đầu tư công gần như chưa động đến. Chẳng hạn, các gói đầu tư công có thể đến tháng 3, tháng 4 năm nay các bộ ngành, địa phương, các dự án mới lập kế hoạch chi tiết, rồi tháng 4 mới phân bổ thì giải ngân sao mà kịp được”.

Cũng nói về tiến độ và hiệu quả Chương trình, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã được thiết kế theo hướng truyền thống, nếu vẫn thực thi theo cách truyền thống thì rõ ràng không đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả. Như vậy, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 6% năm nay là rất thách thức”.

Tương tự quan điểm này, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng quan ngại việc thực thi chậm làm giảm nhiều hiệu quả và mục tiêu chính sách của Chương trình. “Cho đến nay, kiểm đếm lại, ta mới triển khai được hai gói hỗ trợ là giảm thuế VAT và cách đây 2 tuần có thêm gói hỗ trợ tiền thuê nhà”, ông Hiếu cho biết.

Theo vị này, do thiết kế Chương trình đã theo cách truyền thống, nên khâu thực thi rất chờ đợi những điểm mới, điểm đột phá để nâng cao hiệu quả. Chẳng hạn trong giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thay vì chờ đợi phê duyệt danh mục tất cả các dự án, thì phê duyệt từng dự án, dự án nào xong trước phê duyệt trước thay vì đợi tất cả rồi duyệt một lượt. “Đó là cách làm tôi rất mong muốn”, TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022  sáng 25/4 (Ảnh: NEU)

Để khu vực tư thành "ngôi sao hy vọng"

Trong nội dung ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bô sáng 25/4, các khuyến nghị chính sách tập trung vào 3 điểm cơ bản. Thứ nhất, chính sách hướng đến hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”. Thứ hai, chính sách tài khóa và tiền tệ thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng nhưng đồng thời nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. 

Cuối cùng, trong bối cảnh dư địa chính sách dần thu hẹp, các hỗ trợ cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Theo TS. Tô Trung Thành, chuyên gia kinh tế từ Đại học Kinh tế Quốc dân, chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất trong bối cảnh dư địa tiền tệ ngày càng hạn hẹp hiện nay. Nhóm chuyên gia NEU đề xuất Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn (khoảng 5 - 6% GDP) để hỗ trợ nền kinh tế ít nhất 2 - 3 năm tới đây. 

“Như vậy, cần theo đuổi chính trong sách tài khóa nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022 - 2023 theo hướng mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Do đó, các chính sách cần tập trung vào cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo việc giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng”, ông Tô Trung Thành đề xuất.

Cụ thể, việc mở rộng hỗ trợ tài khóa cần hướng thẳng đến khu vực doanh nghiệp, tập trung giải quyết khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Một số biện pháp được đề xuất là giảm thuế VAT mạnh mẽ hơn, bao phủ nhiều đối tượng hơn, đẩy mạnh hơn các giải pháp hỗ trợ chi phí doanh nghiệp.

Về phía chính sách tiền tệ, phía NEU cho rằng dư địa tiền tệ hạn chế, chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động trong khi chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Ngoài ra cần chú trọng nắn dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.

Nhìn chung, các chuyên gia từ NEU cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần trúng hơn, thiết thực hơn. Nhóm đề xuất Chính phủ thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. 

Cũng nói về ưu tiên hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định hỗ trợ phải hướng trực tiếp vào các doanh nghiệp tư nhân đang trong chuỗi cung ứng, trong ngành kinh tế, phải đưa khu vực tư nhân trở thành “ngôi sao hy vọng của nền kinh tế.

“Nếu nói nền kinh tế cần bổ sung gói hỗ trợ gì, thì đó là gói hỗ trợ niềm tin. Hiện tại là giai đoạn khủng hoảng niềm tin trên toàn cầu, phải tăng cường niềm tin của xã hội và thị trường vào doanh nghiệp, doanh nhân (khu vực tư nhân) và ngược lại. Nếu ta không khôi phục, duy trì và phát huy được niềm tin này là chúng ta thất bại", ông Lộc khẳng định.

"Khu vực tư nhân phải là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế, phải thấy rõ rằng các vụ việc riêng lẻ như FLC, THM không phải bức tranh chung, hình ảnh chung của khu vực tư nhân… Nếu coi tư nhân là “con hủi” của nền kinh tế thì xã hội không thể phát triển được", vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.