Từ vụ FLC đến Tân Hoàng Minh: 'Đừng làm giật cục, phải phanh từ từ'
Bất ổn của thị trường tài chính là do tăng trưởng quá nóng
Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, PGS. TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 đang đối diện nhiều thách thức, trong đó bên cạnh các rủi ro địa chính trị, diễn biến phức tạp của đại dịch… thì một yếu tố đáng quan tâm khác là sự bất ổn trên thị trường bất động sản, chứng khoán…
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những bất ổn gần đây là do sự tăng trưởng quá nóng của thị trường, trong khi đó khuôn khổ pháp lý dù đã tích cực thay đổi nhưng đâu đó vẫn còn nhịp chậm hơn.
“Thị trường cổ phiếu Việt Nam mới chỉ được 22 năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới được 16 năm, trong khi đó các thị trường tăng trưởng tương đối nhanh. Bình quân giai đoạn 2011-2021 bình quân toàn thị trường tài chính bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm… tăng trưởng 14%/ năm, thị trường cổ phiếu tăng 27%/ năm, trái phiếu cả doanh nghiệp và Chính phủ tăng trưởng 13-14%/ năm”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Một nguyên nhân khác, theo TS. Lực là do cơ quan quản lý dù rất muốn thúc đẩy thị trường phát triển để doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng đâu đó có một số điều kiện pháp lý còn "lỏng lẻo so với cái tinh vi của các chủ thể tham gia thị trường".
Vấn đề khuôn khổ pháp lý dù đã tích cực thay đổi nhưng đâu đó vẫn còn nhịp chậm hơn yêu cầu thị trường và khâu kiểm tra, thanh tra giám sát còn một số hạn chế, vẫn cần thực hiện tốt hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, TS. Lực cho rằng rất cần phối hợp chính sách để kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính lan truyền giữa các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản.
Đồng tình với TS. Lực về sự chậm một nhịp của khung khổ chính sách, TS. Võ Trí Thành chia sẻ: “Ta đã có tư tưởng, chiến lược tạo nền tảng tốt cho thị trường trái phiếu từ những năm 2000… Chúng ta đã nói đến câu chuyện này từ 20 năm nay nhưng chúng ta làm quá chậm. Trái phiếu Chính phủ thì ta làm tốt, nhưng nền tảng cho trái phiếu doanh nghiệp thì ta làm quá chậm”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng sự phát triển quá nóng của thị trường vốn và tác động lan truyền trong toàn hệ thống tài chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những bất ổn trong thời gian qua.
“Mặc dù ta đã có hệ thống quản lý nhưng do thị trường phát triển quá nóng, cả thị trường chứng khoán lẫn thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây, dẫn đến hệ thống quản lý không theo kịp sự phát triển về quy mô của thị trường tài chính, từ quản lý nhà nước cho đến câu chuyện chính sách, sửa đổi luật…”, TS. Ánh cho biết.
Theo ông Ánh, rủi ro một khi xuất hiện trên thị trường tài chính cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến các thị trường bất động sản và ngược lại, dòng tiền đổ vào bất động sản qua rất nhiều kênh khác nhau, nên bất kỳ rủi ro nào của thị trường bất động sản đều ảnh hưởng sang các thị trường tài chính, chứng khoán…
“Chúng ta nói về tài chính hóa bất động sản, nhưng cho đến nay lý thuyết chưa xây dựng xong cho thì thị trường đã vận hành rồi. Tất cả những việc chúng ta chứng kiến trên thị trường trong thời gian gần đây, từ câu chuyện FLC đến Tân Hoàng Minh đều là như vậy”, ông Ánh nhận định về một số bất ổn trên các thị trường trong thời gian qua.
Điều tiết thị trường: giải pháp trung tâm là thể chế
Theo các chuyên gia, cải cách thể chế phải được xác định là giải pháp trung tâm để tạo khung khổ cho các thị trường phát triển lành mạnh, tạo niềm tin và động lực cho khu vực tư nhân trong phục hồi kinh tế.
Chẳng hạn, về phía thị trường chứng khoán, nhóm chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cần thiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm, đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán, phát triển các nhà đầu tư có tổ chức. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường. Đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán.
Trong khi đó TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững là công khai minh bạch hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa. “Về vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ có lẽ cần giám sát cả rủi ro hệ thống. Đồng thời nâng cao vai trò của giáo dục tài chính, đây là kênh vô cùng quan trọng để phát triển thị trường lành mạnh trong dài hạn”, ông Lực cho hay.
Về thị trường bất động sản, giải pháp được nhóm chuyên gia đưa ra là hoàn thiện thể chế định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường; giảm đầu cơ trên thị trường bất động sản, loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản.
Từ góc độ chính sách tài khóa, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính cũng đồng tình rằng cần hoàn thiện chính sách thuế đất đai, thuế tài sản như một phương pháp điều tiết và quản lý thị trường bền vững. Bởi theo TS. Cường, nếu xét nguồn cơn sâu xa của các bất ổn liên quan đến thị trường bất động sản và tài chính hiện tại thì cần thấy rằng nguồn thu của địa phương hiện nay chủ yếu là từ đất đai nên thường xuyên phải đấu giá đất, khi giá đất tăng thì nguồn thu ngân sách địa phương cũng hưởng lợi. Như vậy, một khi điều tiết thị trường bất động sản quá mức thì nguồn thu ngân sách các địa phương cũng ảnh hưởng theo.
Đồng tình với ý kiến của TS. Vũ Sỹ Cường, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định cải cách thể chế là cần thiết, phải "phanh từ từ", phải đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
“Tất nhiên có những vấn đề thể chế cần điều chỉnh, nhưng đừng làm giật cục hay siết chặt mà phải phanh từ từ. Phải đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế trong tương lai, phải làm sao doanh nghiệp dựa vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp như kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định.