Bộ trưởng Bộ Công Thương không đồng tình với đề xuất gia hạn ưu đãi điện gió

Duy Anh 14:35 | 10/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội tiếp tục chạm đến nhiều vấn đề nóng, trong đó có quy hoạch và phát triển điện gió.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng kéo dài thời gian áp dụng giá FIT ưu đãi với điện gió là không đúng bản chất của chính sách, gây bất bình đẳng giữa các dự án. Đồng thời ông cũng chia sẻ khó khăn của các chủ đầu tư và các địa phương có dự án chậm tiến độ. 

Ông chỉ ra rõ giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: VnExpress

Bộ trưởng tiếp tục lập luận về vấn đề này: "Hiện nay, giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể sẽ xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và các đối tượng sử dụng điện". Ông Diên cho biết thêm, trong quá trình lấy ý kiến về nội dung trên, Bộ Công Thương không nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Đồng thời ông tin rằng: “Nếu kéo dài cơ chế giá FIT sẽ gây hậu quả pháp lý và kinh tế". 

Hiện tại, cơ quan đầu ngành công thương đang xây dựng dự thảo quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện. Qua đó, các nhà đầu tư cần đàm phán giá với EVN trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Trên thực tế, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương ngày 2/11 cho hay, trong số 106 dự án điện gió có công suất 5.755,5 MW đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD ở thời điểm đầu tháng 8/2021, chung cuộc đã có 3.298,95 MW công suất đã được COD trước ngày 1/11/2021.

Báo cáo của EVN cũng đề cập tới của 62 dự án điện gió không vận hành trước ngày 1/11/2021, dù đã có Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Chi tiết hơn, trong số những dự án trên bên cạnh những dự án chưa có tín hiệu đang trong quá trình triển khai hay sắp hoàn thiện thì có 4 dự án điện gió được ghi chú kèm theo dòng chữ “đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm để COD”. Có thể hiểu là dự án chưa hoàn tất các thử nghiệm theo quy định để đủ điều kiện công nhận vận hành thương mại (COD), đồng nghĩa với việc không kịp hưởng chính sách được mua điện với giá cố định là 8,5 UScent/kWh (trong đất liền), hay 9,8 UScent/kWh (trên biển) theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ở thời điểm hết ngày 31/10/2021.

Dữ liệu của EVN cũng ghi nhận còn 15 dự án khác mới chỉ tiến hành COD được một phần dự án. Một số cái tên có thể đề cập tới như: Dự án Điện gió Hưng Hải Gia Lai mới COD được 4 MW; Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 1 mới COD được 4,5 MW, hay Nhà máy Điện gió Bình Đại mới COD được 4,2 MW… Lớn nhất trong đó là Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông đã COD được 50 MW, nhưng vẫn còn khá xa so với mức công suất 150 MW đã ký PPA. 

Cũng liên quan tới Ninh Thuận và một số tỉnh, thành khác đề nghị nhà nước quan tâm  trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các nguồn điện thì bộ trưởng Diên trả lời rằng phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là cơ hội, tiềm năng và lợi thế, tăng thu ngân sách cho một số địa phương. 

Nhưng, Bộ trưởng Công Thương cũng nhận xét rằng năng lượng tái tạo vẫn có giá thành cao, chưa phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện ở Việt Nam. Nghịch lý ở đây là những khu vực có tiềm năng tốt để phát triển các loại hình điện năng lại là nơi có phụ tải rất thấp, như ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phụ tải chỉ chiếm 4-10% khả năng cung ứng về nguồn, trong khi ở miền Bắc phụ tải luôn tăng mà nguồn vẫn chỉ ở ngưỡng thấp so với nhu cầu. 

Bên cạnh đó, ông cũng không quên nhắc lại việc việc phát triển quá nóng các nguồn điện trong thời gian vừa qua ở một vài địa phương như thế đã khiến cho hệ thống truyền tải điện không thể đáp ứng, khiến lãng phí nguồn lực xã hội. Cho nên nếu xây dựng thêm các đường dây truyền tải cao áp, siêu cao áp kết nối liên vùng miền cần tính đến chi phí sản xuất đang lên cao làm tăng giá thành điện năng.