Bộ trưởng Bộ TN&MT: Có hơn 28.000 ha đất dự án chậm tiến độ, đã xử lý được 10.000 ha

Đông Bắc 17:24 | 28/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện còn khoảng 18.000 ha đất bị lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo.

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội phản ánh liên quan đến quản lý đất đai.

Giải trình về nội dung quản lý đất đai, mà cụ thể là việc lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ dự án treo trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ý kiến của các đại biểu về những vấn đề tồn tại bất cập đã được chỉ ra khi tổng kết Nghị quyết 19, xây dựng Nghị quyết 18 và trong báo cáo tổng kết về Luật Đất đai.

"Trước đây, có 28.155 ha tại các dự án chậm tiến độ, thời gian vừa qua đã giải quyết được trên 10.000 ha, như vậy hiện vẫn còn 18.000 ha chưa xử lý", ông Hà thông tin.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh Quốc hội. 

Nói về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thứ nhất là do chậm giải phóng mặt bằng. Thứ hai là do các quy hoạch thay đổi. Thứ ba là do các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án kém năng lực. Thứ tư, trong quá trình xử lý các vấn đề về pháp luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan có những khoản chồng chéo…

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ đã lập một Đề án để tập trung xử lý tại 4 thành phố có khoảng 2.000 dự án chậm tiến độ, từ đó sẽ đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết thời gian tới. Trong đó, những vấn đề lớn sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị giao cho các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý.

Với góp ý của các Đại biểu trong những nội dung vướng mắc về lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, từ nay đến năm 2024, để giải quyết vấn đề này cần ban hành các Nghị quyết theo thẩm quyền của Quốc hội hoặc Nghị định theo thẩm quyền của Chính phủ, hoặc các quy định của địa phương từ đó sẽ đưa ra một cơ chế để giải quyết những vấn đề tồn tại vướng mắc, phổ biến hiện nay.

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở Đề án đã áp dụng đối với 4 tỉnh, thành phố, sau đó sẽ xem xét, tính toán với các địa phương khác trong cả nước. "Việc xử lý các dự án chậm tiến độ phải trên cơ sở phải bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của Nhà nước; không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm; không làm ảnh hưởng đến người dân".

Giải trình về vấn đề tránh lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách đất đai, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này sẽ tập trung rất cụ thể vào vấn đề như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất… hầu hết các phương thức giao đất sẽ đấu thầu, đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.

Bởi việc định giá hiện nay theo quy định của Luật Đất đai gồm khung giá, bảng giá và định giá cụ thể nhưng khung giá, bảng giá hiện nay không sát thị trường do cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, giá đất được thu thập và không đầy đủ, chính xác.

"Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ thay đổi phương pháp định giá trên cơ sở xây dựng những điều kiện khác để thực hiện như: cơ sở dữ liệu về đất đai, giá đất, quy định về các hợp đồng, quy định chế định trách nhiệm phải qua sàn giao dịch và đăng ký đối với người dân… thì mới giải quyết được vấn đề này", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Cả nước có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích rất lãng phí 

Trước đó, tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 27/10, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng,  lãng phí đất đai đang là một trong những thực trạng gây nên nhiều bức xúc.

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, bà Mai cho biết, hiện nay trên phạm vi toàn quốc có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, số tiền xử phạm vi phạt thu được rất thấp, chỉ có 286 tỷ đồng. Trong khi đó, qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000 hecta đất. “Đây là một sự thật rất đau lòng và gây bức xúc đối với người dân”, bà Mai phản ánh.

Theo bà Mai, việc giải quyết những vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan.

Để giải quyết thực trạng này, bà Mai đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. Theo đó cần đưa ra một lộ trình cụ thể, một thời hạn cụ thể và điều này thì cần được nghị quyết hóa, bởi vì đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.

Đặc biệt, bà Mai đề nghị xử lý nghiêm đối với lối “tư duy nhiệm kỳ”. “Chúng ta đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng, để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng”, bà Mai nêu ý kiến.