ĐBQH nói về lãng phí nguồn lực đất đai: Dự án chục năm không triển khai và trách nhiệm của cơ quan quản lý

Đông Bắc 15:07 | 27/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, hiện toàn quốc có 743 triệu m2 đất để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, rất lãng phí, đau lòng và “nhức nhối”.

743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích trên cả nước; dự án hàng chục năm vẫn chưa được gỡ vướng

Sáng 27/10, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng,  lãng phí đất đai đang là một trong những thực trạng gây nên nhiều bức xúc.

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, bà Mai cho biết, hiện nay trên phạm vi toàn quốc có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, số tiền xử phạm vi phạt thu được rất thấp, chỉ có 286 tỷ đồng. Trong khi đó, qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000 hecta đất. “Đây là một sự thật rất đau lòng và gây bức xúc đối với người dân”, bà Mai phản ánh.

Theo bà Mai, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có lối “tư duy nhiệm kỳ”. Qua giám sát cho thấy, bên cạnh rất nhiều địa phương đang tích cực thu hồi những diện tích đất hoang hóa thì vẫn còn những địa phương cứ sau mỗi một nhiệm kỳ thì số lượng các dự án treo lại tăng thêm.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại hội trường. Ảnh Quốc hội. 

Theo bà Mai, việc giải quyết những vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi có vướng mắc, các địa phương gửi văn bản đề nghị làm rõ ý kiến đối với các bộ, ngành thì câu trả lời từ phía các bộ, ngành đó là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”, trong khi pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng lại gây nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, là tâm lý sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, tạo sự trì trệ trong cơ quan công quyền.

“Cũng rất dễ hiểu rằng tại sao đến thời điểm hiện nay có những dự án trải qua hàng chục năm vẫn không tháo gỡ được vướng mắc”, bà Mai nói.

Để giải quyết thực trạng này, bà Mai đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. Theo đó cần đưa ra một lộ trình cụ thể, một thời hạn cụ thể và điều này thì cần được nghị quyết hóa, bởi vì đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.

Đặc biệt, bà Mai đề nghị xử lý nghiêm đối với lối “tư duy nhiệm kỳ”. “Chúng ta đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng, để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng”, bà Mai nêu ý kiến.

Cuối cùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát, đảm bảo không lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân.

Mong chờ hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý đất đai

Trao đổi bên hành lang Hội trường Diên Hồng, nhiều đại biểu Quốc hội mong chờ lần cho ý kiến đầu tiên đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời bày tỏ hy vọng những quy định mới sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực quản lý đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết, kỳ họp lần này cũng sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai sửa đổi - vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Đại biểu kỳ vọng tại phiên thảo luận này, các đại biểu sẽ tập trung đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn, toàn diện, có giá trị tham khảo cần thiết.

 Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. Ảnh QH. 

Cùng chia sẻ niềm hy vọng này, đại biểu Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đối với hệ thống pháp luật. Đặc biệt, trên khía cạnh kinh tế, sẽ thực sự khai phá những nguồn lực phát triển đất nước, thực sự tạo ra một môi trường thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đảm bảo sự an toàn cho người dân và doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động xuất kinh doanh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải- Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hiện nay, việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn cũng có nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, có thể ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng và quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời liên quan đến sự hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đây cũng là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Đại biểu kỳ vọng, tại Kỳ họp này, việc xem xét, cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo hoàn thiện luật theo tiêu chí ngày càng sát hơn với thực tiễn.

Còn GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai cần được coi như một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến mục tiêu đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp hiện nay thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, như Nghị quyết 18-NQ/TW đã đặt ra, cần phải tăng cường việc đưa quyền sử dụng đất vào cơ chế thị trường. Tính thị trường phải chi phối toàn bộ quá trình chuyển dịch đất đai. Đến mức phát triển nhất định, cơ chế Nhà nước thu hồi đất có thể không mang lại hiệu quả cho quá trình chuyển dịch đất đai, nhất là không bảo đảm tính bền vững về xã hội.

GS.TS Đặng Hùng Võ hy vọng, trong lần cho ý kiến đầu tiên này, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.