Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024

Đông Bắc 16:27 | 26/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện trong năm 2024 để Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nguồn thanh toán cho các nhà máy điện và phản ánh đúng biến động của chi phí đầu vào.

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023, với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.

Nguyên nhân của đề xuất tăng giá điện của Bộ Công Thương lần này là do biến động các chi phí đầu vào và giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

EVN cho biết dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá điện bán lẻ được điều chỉnh 2 lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao. Do đó, năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

 Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện trong năm 2024. Ảnh BCT.

Với mức tăng giá điện bán lẻ điện bình quân thêm 4,5% ngày 9/11 lên 2.006,79 đồng/kWh (trước đó đã tăng 3% vào ngày 4/5), EVN cho biết mức tăng này chỉ giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây cũng không được tính toán trong giá điện.

Sau 2 đợt tăng giá điện trong năm 2023, EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng, trong năm 2023. Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).

EVN lý giải nhiều thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí. Ngoài ra, còn do giá nhiên liệu đầu vào dù giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với trước

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết để bù đắp lỗ, nhưng EVN cần công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện, kết quả kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. "Nếu thấy giá điện chỉ tăng không giảm, người dân sẽ đặt câu hỏi. Đó là vấn đề phải truyền thông để người dân hiểu", ông góp ý.

Dù vậy, giới chuyên gia nhận định điện là mặt hàng năng lượng quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nên biến động về giá mặt hàng này sẽ tác động tới lạm phát.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nói "cần hết sức thận trọng" khi tăng giá điện trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế. Giá năng lượng tăng sẽ làm chi phí điện năng, vận chuyển và giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm... điều chỉnh theo.

EVN vẫn báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Tập đoàn EVN thông báo khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ.

Đáng chú ý trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), do đó giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.

Theo đó,  doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, năm 2023, giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng đã khiến giá điện tuy tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.

Theo ông Tuấn, thông thường, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.

Còn nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỉ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỉ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỉ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.

Hiện nay, thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.