Bộ Xây dựng đề nghị tăng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Thời gian qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động..., theo Bộ Xây dựng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú) nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp,
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, về lâu dài, Bộ Xây dựng cho biết đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp trong thời điểm trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp.
Cụ thể theo Bộ Xây dựng khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Đồng thời có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Bộ cũng đề nghị địa phương nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Đáng chú ý, Bộ cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Được biết, nhà ở xã hội cũng là một trong chủ đề kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm tới. Cụ thể Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2022 dự kiến lựa chọn 11 chủ đề kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội và việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...
Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng quan tâm, thúc đẩy hiện nay. Mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất một loạt giải pháp về nguồn vốn phát triển nhà công nhân.
Cụ thể Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Trong đó đáng chú ý, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, KCX vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo "mục tiêu kép".
Điều này theo Bộ Xây dựng, vừa bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân) vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 30.000 tỷ để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.
Theo đề xuất, đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất. Việc này theo nhận định của Bộ Xây dựng, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân; vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Một trong những nguyên nhân chính khiến việc sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp khó khăn, chuỗi cung ứng sản xuất, lao động bị đứt gãy trong Covid-19, theo Bộ Xây dựng, là các địa phương chưa quan tâm đến đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, dẫn đến khó đảm bảo thực hiện "3 tại chỗ".