Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ vụ việc ép mua nhà ở xã hội theo "combo"

07:23 | 03/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi tới UBND tỉnh Bắc Ninh. Nội dung đề nghị địa phương này làm rõ một số dấu hiệu trục lợi trong mua bán nhà ở xã hội.

Cụ thể, công văn có nêu rõ về tình trạng bán nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật được báo chí và dư luận xã hội phản ánh. 

Đầu tiên, tại dự án nhà ở xã hội Cát Tường bán nhà ở xã hội với giá khoảng 1 tỷ đồng, nhưng trong đó lại bắt buộc người mua phải ký kết hợp đồng mua bán nhà với giá 700 triệu đồng và hợp đồng mua gói nội thất với giá 350 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Trường hợp tiếp theo là tại dự án nhà ở xã hội Cường Thịnh bán nhà ở xã hội với giá từ 14,5-16 triệu đồng/m2, mức chênh lệch 200 triệu đồng người mua phải trả không có hóa đơn chứng từ. Giá bán thực tế trong hợp đồng mua bán là 12 triệu đồng/m2.

Trước những phản ánh trên, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra thông tin, giải quyết sự việc nêu trên theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các nội dung về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội như: giá bán, phương thức bán và xử lý sai phạm theo quy định nếu phát hiện. 

Nhiều bê bối liên quan đến giao dịch NƠXH vài năm gần đây

Khoảng vài năm trở lại đây, lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn cung nên nhiều đối tượng đã lợi dụng, tiến hành nhiều phương thức lừa đảo, thổi giá nhà ở xã hội khiến nhiều người mua nhà không am hiểu pháp luật bị "sập bẫy". 

Tại Hà Nội, đã từng bị dư luận phản ánh hiện tình trạng mua bán và thu tiền chênh lệch trái quy định. Cụ thể, chi phí hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ và cam kết sẽ được mua nhà ở xã hội lên tới hàng chục triệu đồng; chi phí để khách hàng mua được căn góc, vị trí đẹp chênh so giá bán gốc hàng trăm triệu đồng. Đối với trường hợp mua lại nhà ở xã hội thì phải trả tiền chênh khoảng 4 - 6 triệu đồng/m2... 

Bộ Xây dựng cũng đã gửi văn bản yêu cầu các địa phương chú ý tới tình trạng này ở Thủ đô. 

Theo đó, vào cuối tháng 12/2020, dự án NƠXH Thượng Thanh của Công ty CP BIC Việt Nam và Him Lam Thủ đô được động thổ. Ngay sau đó nhiều trang web về dự án lập tức xuất hiện nhan nhản. Trên mạng xã hội cũng tràn lan hình ảnh, quảng bá, tư vấn và nhận đặt cọc chỗ mua suất tại dự án.

Liên hệ với số điện thoại trên trang web, môi giới thuyết phục rằng mua NƠXH nộp trực tiếp qua chủ đầu tư không bao giờ có suất, vì lượng hồ sơ đặt trước lớn. Để tạo niềm tin môi giới khẳng định đây là những suất ngoại giao và đảm bảo vào hợp đồng đúng tên, đúng người. Môi giới ra giá đặt cọc 30 - 50 triệu đồng và hứa nếu không mua được sẽ trả lại cọc. Ngoài ra, để chọn được căn, người mua phải mất thêm từ 70 - 100 triệu đồng.

Hay tại dự án NHS Trung Văn chưa được cấp giấy phép xây dựng. Thế nhưng, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều công ty đã rầm rộ quảng cáo, rao bán căn hộ và được cho là đã thu tiền cọc của khách hàng cho các suất "ngoại giao".

Một dự án khác là dự án nhà ở xã hội Hạ Đình tại ngõ 214 Nguyễn Xiển (Hà Nội) chưa mở bán nhưng “cò” vẫn đua nhau rao bán chênh dù Sở Xây dựng chưa công bố thông tin mở bán, chưa nhận hồ sơ.

Trên thực tế cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp cá nhân lừa đảo mua nhà ở xã hội nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản mà người dân cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch bất động sản. 

Đó là vụ việc mới được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây: Đối tượng Đàm Ngọc Chính lợi dụng nhu cầu người nghèo xin mua nhà ở xã hội tại KCN Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), từ đó lừa họ đặt cọc rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn là đưa ra mức giá rẻ, dụ các bị hại nộp số tiền thấp, hứa sẽ làm thủ tục thế chấp căn hộ để vay ngân hàng. Tổng cộng, gã đã lừa 22 người, chiếm đoạt hơn 1,5 tỉ đồng.

 

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết trên địa bàn cả nước đã hoàn thành xong 256 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 109.100 căn, với tổng diện tích hơn 5,5 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 271 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 256.500 căn, với tổng diện tích khoảng 12,8 triệu m2. 

Nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại đô thị đã có 140 dự án, quy mô xây dựng khoảng 57.500 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 2,9 triệu m2 đã có thể đi vào sử dụng. Hiện còn 173 dự án, quy mô xây dựng khoảng 128.500 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 6,4 triệu m2 đang được triển khai tiếp. 

Trong khi đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đến nay đã 116 dự án hoành thành với quy mô xây dựng khoảng 51.600 căn hộ, với tổng diện tích 2,6 triệu m2. Đang tiếp tục xây dựng 98 dự án với quy mô xây dựng khoảng 128.000 căn hộ, tổng diện tích 6,4 triệu m2.