'Bóng đen' khủng hoảng năng lượng bao trùm châu Á
Ở Sri Lanka, người dân phải xếp hàng dài hàng km để đổ đầy một bình nhiên liệu. Tại Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa lúc 8 giờ tối để tiết kiệm năng lượng. Ngay cả Ấn Độ và Pakistan, tình trạng mất điện buộc các trường học, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Người dân sống trong cảnh ngột ngạt khi không có điều hòa nhiệt độ qua các đợt nắng nóng lên tới 37 độ C.
Đây là tình trạng đang diễn ra ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi các quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều năm, đồng thời, vật lộn với sự bất ổn ngày càng tăng do chi phí sinh hoạt tăng nhanh.
Ở Sri Lanka và Pakistan, người ta có thể "sờ" thấy cảm giác khủng hoảng. Sự phẫn nộ của công chúng đã dẫn đến một làn sóng từ chức của các bộ trưởng ở Colombo và là nguyên nhân ông Imran Khan từ chức thủ tướngPakistan.
Tuần trước, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết nền kinh tế Sri Lanka đã "hoàn toàn sụp đổ."
Ở những nơi khác trong khu vực, các dấu hiệu của khủng hoảng có thể ít rõ ràng hơn nhưng vẫn có thể gây ra hậu quả sâu rộng.
Ngay cả ở các nước tương đối giàu có như Australia, những lo ngại về kinh tế đang bắt đầu xuất hiện khi người tiêu dùng cảm thấy sức ép của các hóa đơn năng lượng cao hơn. Giá bán buôn điện trong quý I/2022 tăng 141% so với năm ngoái; các hộ gia đình đang bị thúc giục cắt giảm sử dụng điện. Vào ngày 15/6, lần đầu tiên, chính phủ Australia đình chỉ vô thời hạn thị trường điện quốc gia trong nỗ lực hạ giá, giảm bớp áp lực lên chuỗi cung ứng năng lượng và ngăn chặn tình trạng mất điện.
Tại Ấn Độ, nhu cầu điện năng gần đây đạt đỉnh trong nhiều năm, người dân chịu tình trạng mất điện trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục. Công ty than Ấn Độ do nhà nước điều hành sẽ nhập khẩu than lần đầu tiên kể từ năm 2015. Đây là minh họa rõ ràng nhất tại sao cuộc khủng hoảng đã có quy mô toàn cầu chứ không phải khu vực.
Tác động kép của đại dịch và xung đột
Bên cạnh những vấn đề nội tại, các quốc gia đều đang chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Về gốc rễ, các chuyên gia cho rằng, vấn đề xuất phát từ sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa cung và cầu.
Trong vài năm qua, đại dịch khiến nhu cầu năng lượng xuống mức thấp bất thường, mức tiêu thụ điện toàn cầu giảm hơn 3% trong quý đầu tiên của năm 2020 do các nhà máy đóng cửa, các hạn chế đi lại đối với người lao động, phương tiện, và tình trạng tàu bị mắc kẹt tại các bến cảng. Nhưng giờ đây, khi các quốc gia bắt đầu đẩy lùi đại dịch, nhu cầu về nhiên liệu đang tăng vọt. Sự cạnh tranh đang đẩy giá than, dầu và khí đốt lên mức cao kỷ lục.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine càng làm tăng tốc xu hướng này. Mỹ và nhiều đồng minh trừng phạt dầu khí của Nga khiến nhiều quốc gia phải tranh giành để tìm các nguồn cung thay thế, điều này càng làm nóng thêm cuộc chạy đua để giải quyết khủng hoảng nguồn cung.
Samantha Gross, giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu của Viện Brookings nhận định: “Nhu cầu năng lượng đã phục hồi khá nhanh, nhanh hơn nguồn cung, do đại dịch dần được đẩy lùi. Vì vậy, chúng ta chứng kiến mức giá năng lượng cao ngay cả trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Và xung đột dường như trở thành một cú sốc đối với nguồn cung năng lượng".
"Ác mộng" của châu Á
Trong khi giá nhập khẩu năng lượng đã tăng đột biến trên toàn thế giới, giá than quốc tế cao gấp 5 lần và giá khí đốt tự nhiên cao gấp 10 lần so với năm ngoái, các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến một số nền kinh tế châu Á, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, phụ thuộc vào nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, cho biết: "Một quốc gia, đặc biệt là một nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka phải trả tiền nhiều hơn để mua dầu, khí đốt tự nhiên để duy trì hoạt động của nền kinh tế”.
Antoine Halff, nhà nghiên cứu của Moody’s Analytics, phân tích rằng các quốc gia nghèo hơn, đang phát triển hoặc mới công nghiệp hóa ít có khả năng cạnh tranh với các đối thủ có tiềm lực sâu rộng hơn. Khi họ càng cần nhập khẩu nhiều hơn, vấn đề của họ sẽ càng lớn hơn.
Cách đây một tuần, Bộ trưởng Năng lượng và Năng lượng Sri Lanka cho biết chỉ còn vài ngày nữa là nước này hết nhiên liệu. Cảnh báo đó được đưa ra khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và ông chúng giữa dòng người kéo dài tới 3km tại các trạm nhiên liệu ở Colombo và tại nhiều thị trấn.
Cuộc sống hàng ngày như thể đã bị ngừng lại. Tuần trước, các văn phòng khu vực công, trường học chính phủ và trường tư thục được chính phủ phê duyệt đã đóng cửa trong ít nhất hai tuần. Người lao động khu vực công được yêu cầu nghỉ thứ Sáu trong 3 tháng tới và được gợi ý sử dụng thời gian này để tự trồng lương thực.
Pakistan cũng đã phải giảm tuần làm việc từ 6 ngày xuống còn 5 ngày, mặc dù điều đó có thể chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.
Tình trạng mất điện hàng giờ mỗi ngày đã ảnh hưởng đến đất nước 220 triệu dân trong ít nhất 1 tháng. Các trung tâm thương mại và nhà hàng ở Karachi - thành phố lớn nhất Pakistan đã được yêu cầu đóng cửa sớm để tiết kiệm nhiên liệu.
Nguồn cung năng lượng của Pakistan đang thấp hơn gần 5.000 MW so với nhu cầu. Sản lượng thiếu hụt ước tính có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 2 triệu đến 5 triệu ngôi nhà. Bộ trưởng Thông tin Pakistan Marriyum Aurangzeb đã nói vào ngày 7/6: "Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng."
Khủng hoảng năng lượng không chỉ xảy ra ở các quốc gia nghèo, kém phát triển. Australia, một quốc gia có thu nhập trung bình của người dân cao, cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Kể từ tháng 5, Australia đã hoạt động mà không có 25% công suất năng lượng dựa trên than đá, một phần do kế hoạch ngừng hoạt động để bảo trì, nhưng cũng do gián đoạn nguồn cung và giá năng lượng tăng cao đã gây ra tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch.
Giống như Pakistan và Bangladesh, người Australia đang được khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng Chris Bowen gần đây đã yêu cầu các hộ gia đình ở New South Wales, bao gồm cả Sydney, không sử dụng điện trong 2 giờ mỗi buổi tối.
Những hệ lụy toàn cầu
Cách các quốc gia phản ứng với khủng hoảng có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn cả việc tăng giá. Các chính phủ có thể phải quay trở lại với các dạng năng lượng rẻ và bẩn hơn như than đá, bất chấp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại Australia, Ban An ninh Năng lượng của Chính phủ liên bang đã đề xuất tất cả các máy phát điện, bao gồm cả các máy đốt than, phải được trả tiền để duy trì thêm công suất trong lưới điện quốc gia, nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện. Chính phủ New South Wales đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp để chuyển hướng than từ các mỏ trong ban đến các máy phát điện địa phương thay vì ở nước ngoài. Cả hai biện pháp đều vấp phải sự chỉ trích cho rằng chính phủ đi ngược cam kết về năng lượng tái tạo.
Ấn Độ, đất nước 1,3 tỷ dân, phụ thuộc vào khoảng 70% năng lượng than, quyết định tăng nhập khẩu than của New Delhi. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn đến môi trường.
Các nhà khoa học cho biết việc giảm mạnh khai thác than là cần thiết để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ khó đạt được nếu không có sự hợp tác của một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới.
Sandeep Pai, trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao Chương trình Năng lượng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Khi một quốc gia, có thể là Ấn Độ, Đức, hay Mỹ, giảm gấp đôi bất kỳ loại nhiên liệu hóa thạch nào, lượng khí thải carbon sẽ giảm đáng kể. Đây là một vấn đề toàn cầu”.
Ông Pai nói rằng quyết định của Ấn Độ có thể chỉ là một phản ứng tạm thời đối với cuộc khủng hoảng, nhưng nếu trong một hoặc hai năm tới các quốc gia tiếp tục dựa vào than sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
"Nếu những hành động này xảy ra, nó sẽ ngốn ngân sách carbon vốn đang thu hẹp ở Ấn Độ và mục tiêu giữ mức tăng 1,5 hoặc 2 độ trong thỏa thuận khí hậu Paris sẽ ngày càng trở nên khó khăn", Pai nói.
Các nhà khoa học cảnh bảo nếu sự gia tăng nhiệt độ vượt quá phạm vi này sẽ dẫn đến một số thay đổi đến hành tinh không thể đảo ngược.