Giới đầu tư đặt hy vọng vào châu Á trong thời kỳ FED tăng lãi suất
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn thận trọng cảnh báo rằng giới đầu tư chưa nên vội vàng tìm tới các thị trường này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/6 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong hơn 25 năm. Đồng thời, ngân hàng trung ương của Mỹ cũng phát tín hiệu về các đợt tăng mạnh hơn nữa trong thời gian còn lại của năm để kiềm chế lạm phát đang phi mã.
Ngược lại, chỉ vài giờ trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tháng thứ năm liên tiếp.
Kỳ vọng về sự thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ của Mỹ đã gây ra một đợt bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán, trái phiếu và thậm chí cả tiền điện tử toàn cầu, dù sau đó các đồng tiền và chỉ số chứng khoán châu Á đã phục hồi vào phiên 16/6.
Hy vọng của nhà đầu tư
Giờ đây, các nền kinh tế châu Á đang phải chịu áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giới đầu tư nước ngoài đã rút dòng tiền ra khỏi các thị trường châu Á mới nổi - ngoại trừ Trung Quốc - trong năm tháng liên tiếp. Họ lo lắng về triển vọng lạm phát và sự miễn cưỡng trong khu vực về việc tăng lãi suất trước bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nhà đầu tư đã rút 4,9 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi vào tháng trước, kéo dài chuỗi “chảy máu” này sang tháng thứ ba liên tiếp.
Phản ứng của các ngân hàng trung ương châu Á khác với căng thẳng lạm phát trong quốc gia của họ là một yếu tố được lưu tâm rất lớn. Ông Galvin Chia, một chiến lược gia thị trường mới nổi tại ngân hàng đầu tư NatWest Markets chỉ ra việc bán tháo trái phiếu Indonesia trong tháng này, nhận định đó là bằng chứng cho thấy giới đầu tư muốn các ngân hàng trung ương ôn hòa thay đổi lập trường của họ.
Ông Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng Nomura, cho biết một FED “diều hâu” sẽ gây áp lực lên châu Á, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro gia tăng “chảy máu” dòng vốn và đồng nội tệ yếu hơn.
Song ông cũng cho rằng nhiều nền kinh tế châu Á hiện đang phải đối mặt với áp lực lạm phát của riêng họ, bất kể FED có hành động điều chỉnh lãi suất hay không.
Chuyên gia Subbaraman đã thay đổi quan điểm của mình về việc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) giữ nguyên lãi suất. Giờ đây, ông dự báo ngân hàng này sẽ tăng lãi suất tại hai cuộc họp tới. Chuyên gia này cũng nhận định sẽ lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng "mạnh mẽ" ở Ấn Độ trong nửa cuối năm nay.
Dõi theo Trung Quốc
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định rằng tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn là một ẩn số khó đoán định và có tác động lớn đến khu vực châu Á. Các nhà chức trách tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng này đã nới lỏng các đợt siết chặt kiểm soát một số ngành nghề, cũng như thu hẹp các lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19 lây lan. Song vẫn còn một câu hỏi lớn ở đây về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh như thế nào.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng không gian chính sách để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) nới lỏng là khá hạn chế, trong bối cảnh FED quyết liệt hành động còn Bắc Kinh cảnh giác với bong bóng nợ.
Làm nổi bật thêm sự thận trọng này là việc Nội các Trung Quốc hôm thứ Tư khẳng định sẽ hành động dứt khoát trong việc tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế. Nhưng những nỗ lực như vậy sẽ không dẫn đến việc phát hành tiền quá mức và thấu chi (chỉ việc chi tiêu vượt quá số tiền thực có) trong tương lai.
Sự khác biệt chính sách giữa Trung Quốc và Mỹ đã xóa sổ lợi thế về lợi suất của Trung Quốc, gây ra mức sụt giảm kỷ lục tính theo tháng đối với đồng nhân dân tệ vào tháng Tư khi dòng vốn “chảy” khỏi nước này. Hiện đồng tiền của Trung Quốc đã ổn định trở lại.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều vào tuần cuối cùng của tháng Năm và mua vào nhiều hơn các tài sản của Trung Quốc, dù lượng nắm giữ trái phiếu nước này vẫn giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Ông Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management, cho hay “từ khóa” liên quan Trung Quốc là ổn định và kiểm soát. Nhà đầu tư muốn thấy thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu của nước này có nhiều kiểm soát và ổn định hơn khi họ tập trung vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chưa vội hành động
Dù các thị trường châu Á đã phục hồi sau đợt lao dốc ngày 15/6, ông Chia cho rằng nhà đầu tư không nên đề cao đợt tăng giá hôm thứ Năm, cảnh báo rằng những thị trường có thể biến động mạnh trong vài tuần tới.
Theo chuyên gia Chia, các thị trường vẫn còn một chút dư địa để đối phó với những động thái tiếp theo của FED. Ông khuyến nghị các nhà đầu tư không nền đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư lớn, dài hạn nào vào thời điểm này, khi các thị trường sẽ tiếp tục diễn biến khó lường.
Chiến lược gia Craig của J.P. Morgan Asset Management cho biết ngay khi FED quyết định tăng lãi suất và “hút” dòng tiền ra khỏi các thị trường mới nổi, các nền kinh tế châu Á vẫn còn nhiều hỗ trợ từ thặng dư tài khoản vãng lai và đồng nội tệ ổn định hơn so với các giai đoạn trước đây.
Điều đó giúp các thị trường dù cũng chứng kiến tình trạng bán tháo trong năm nay nhưng diễn biến lần này nhẹ nhàng hơn nhiều so với giai đoạn dòng vốn tháo chạy dữ dội trong các chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ vào năm 2004 và 2016.
Ông Craig cũng chia sẻ tâm lý thận trọng trong vấn đề phân bổ tài sản, lưu ý ông không khuyến khích việc nhà đầu tư ngay bây giờ chuyển hướng sang các thị trường tài sản ở châu Á. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng những thị trường đó đang trở nên hấp dẫn hơn và nhà đầu tư nên suy nghĩ về nơi ghi nhận tăng trưởng trong danh mục đầu tư của mình.
Các nhà đầu tư vẫn có thể chờ xem những diễn biến tiếp theo trong tăng trưởng kinh tế và lạm phát để ra quyết định.