BSC: Động lực tăng trưởng chính của kinh tế hai năm tới đến từ gói phát triển hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp

Anh Đào 14:06 | 17/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
BSC đánh giá động lực chính trong hai năm tới đến từ chương trình phát triển kết cấu hạ tầng quy mô hơn 113.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp quy mô 40.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), đánh giá về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng (Gói phục hồi), BSC cho rằng đây là chương trình có quy mô, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới.

Về kết cấu Gói phục hồi, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách miễn giảm thuế/phí/lệ phí và việc hỗ trợ lãi suất hướng đến cộng đồng doanh nghiệp là những quyết sách có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm tới.

Cụ thể, trong Gói phục hồi, nguồn chi trực tiếp từ NSNN cho việc phát triển kết cấu hạ tầng là 113.850 tỷ đồng (chiếm trên 47%), trong đó hạ tầng giao thông chiến lược có ngân sách là 103.164 tỷ đồng.

Theo BSC, với tổng ngân sách dành cho dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 gần 119.600 tỷ đồng, và hơn 30.000 tỷ đồng ngân sách từ Gói phục hồi dự kiến sẽ được phân bổ cho các dự án quan trọng còn lại sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng mạnh mẽ, đồng thời mang tính lan tỏa sang các khu vực kinh tế khác.

Theo định hướng của Gói phục hồi, đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức VAT 10% sẽ được giảm xuống mức 8% trong năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển bao gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,...

Đối với phương án này, Chính phủ dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 49.400 tỷ đồng (quy mô khoảng 0.59% GDP năm 2021), chương trình sẽ được thực hiện trong năm 2022.

Mục tiêu giảm VAT là để kích cầu mua sắm nên những ngành đầu tiên hưởng lợi có thể kể đến nhóm ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp lễ Tết sắp tới.

Bên cạnh đó, các hàng quán, dịch vụ ăn uống, vui chơi cũng đang dần được mở cửa trở lại, và nếu dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến tăng trưởng du lịch lữ hành sẽ tăng kể từ quý II/2022.

Với giả thiết Gói phục hồi sẽ đưa tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng về giai đoạn trước dịch (năm 2019), BSC dự báo kết quả cho năm 2022 là 4.836 tỷ đồng, tương đương mức tăng 11.04% so với cùng kỳ – tăng trưởng trung bình 5 năm từ 2015- 2019.

Nhận định về gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, báo cáo của BSC cho rằng, với quy mô 40.000 tỷ bằng biện pháp hỗ trợ lãi suất 2% trong hai năm 2022-2023 thông qua hệ thống NHTM sẽ được coi là “liều thuốc” hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp.

Như vậy, dư nợ tín dụng nền kinh tế nhận được hỗ trợ sẽ dự kiến sẽ là 2 triệu tỷ đồng trong 2 năm, trung bình đạt 1 triệu tỷ đồng/năm – chiếm khoảng 8-10% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tháng 10/2021 đạt gần 10 triệu tỷ đồng, đồng thời NHNN đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong 2022 là 14%).

Những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua khiến việc vay trung - dài hạn để đầu tư tài sản cố định nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo sẽ thấp, mặt khác thời gian các khoản vay lưu động lại khá ngắn.

Do vậy, BSC dự đoán 6 tháng đầu năm 2022, gói hỗ trợ sẽ đáp ứng cho các khoản dư nợ cũ, thời điểm nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ tiếp cận đối với các khoản vay mới.

Bên cạnh giải pháp thực hiện chính sách tài khóa thông qua kênh của hệ thống NHTM, BSC kỳ vọng về giải pháp tiền tệ sẽ tiếp tục được triển khai khi NHNN phấn đấu giảm lãi suất từ 0.5-1% trong hai năm tới.

Trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều đồng thời nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hệ thống Ngân hàng sau hơn hai năm tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế cũng rất cấp bách, nhóm phân tích của BSC đánh giá điều này thể hiện quyết tâm cao từ phía NHNN để đồng hành cùng doanh nghiệp cũng như đường lối chỉ đạo của Chính phủ.

Dựa trên một số điểm tích cực từ Gói phục hồi như trên, BSC đánh giá động lực chính trong hai năm tới đến từ chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (hơn 113.000 tỷ đồng) và gói hỗ trợ doanh nghiệp (40.000 tỷ đồng).

Đồng thời, chương trình kích cầu thông qua việc giảm thuế VAT trong năm 2022 và gói phi tiền tệ về cải cách thể chế sẽ tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục của Chính phủ về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6.5%/năm.