VDSC: Bức tranh kinh tế năm 2023 đang dần hé lộ rất nhiều khó khăn phía trước

Anh Đào 09:49 | 06/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia của VDSC đánh giá bức tranh kinh tế năm 2023 đang dần hé lộ với rất nhiều khó khăn phía trước, ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng nhiều khả năng sẽ không thể song hành trong năm sau.

 

Sản xuất công nghiệp có những chỉ báo về sự suy giảm 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 8, theo đó nhận định hiệu ứng mức nền thấp sẽ thể hiện rõ hơn trong tháng 8 và 9 năm nay đối với hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, khối phân tích cho rằng việc theo dõi biến động theo tháng và diễn biến chỉ số PMI sẽ quan trọng hơn trong việc đánh giá động lực tăng trưởng của lĩnh vực này trong các tháng tiếp theo. 

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 6 điều chỉnh giảm còn 9,1% so với số ước tính 11,5%, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chỉ còn tăng 9,9% so với số ước tính tăng 13,1%.

Những ngành nghề có sản lượng công nghiệp sụt giảm mạnh so với số liệu ước tính theo thứ tự từ cao đến thấp gồm sản xuất kim loại, sản xuất giường, tủ bàn ghế, sản xuất xe có động cơ, dệt may và chế biến thực phẩm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 7 ước tăng 11,2%, và cao hơn 1,6% so với số liệu điều chỉnh của tháng 6.

 

 

Hầu hết các ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, vẫn có một số ngành suy giảm trong tăng trưởng như sản xuất sản phẩm từ cao su và phương tiện vận tải khác.

Riêng ngành sản xuất kim loại trong cùng kỳ năm trước có mức tăng trưởng khá cao, tháng 7/2022 ghi nhận mức tăng trưởng âm 6,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, xu hướng theo tháng cũng xác nhận sự suy yếu trong ngành sản xuất kim loại với mức giảm 8,6% so với tháng trước.

Các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày vẫn đang cho thấy tín hiệu mở rộng trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bức tranh tăng trưởng đơn hàng trong các tháng tới là khá thách thức, số liệu PMI toàn cầu cho thấy đơn hàng mới trong tháng 7/2022 giảm lần đầu tiên kể từ tháng tháng 6/2020.

Tại khu vực châu Á, đơn hàng mới giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, riêng đối với Việt Nam, tăng trưởng đã không còn mạnh mẽ như các tháng đầu năm dù các công ty vẫn có thể có số đơn hàng mới cao hơn.

 

Trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp có những chỉ báo về sự suy giảm trong tăng trưởng thì lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục phục hồi tích cực trong giai đoạn hậu đại dịch.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 42,6% so với cùng kỳ, trong đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa là 29,4% và dịch vụ là 127,8%. Doanh số bán lẻ dịch vụ ăn uống và lưu trú đã trở về quy mô trước khi đại dịch diễn ra, trong khi doanh số dịch vụ du lịch cũng gần tiệm cận quy mô của năm 2019 dù lượng khách quốc tế trong tháng 7/2022 chỉ tương đương 27% lượng khách trong cùng kỳ năm 2019.  

Năm 2023 sẽ khó khăn hơn

Theo VDSC, diễn biến trên cho thấy một số hàm ý quan trọng. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kiểm soát chặt chẽ thanh khoản tiền đồng trong hệ thống từ nay đến cuối năm nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, việc vay tiền từ NHNN sẽ không còn rẻ như trước bởi những ngân hàng bị thiếu hụt về thanh khoản buộc phải đấu thầu để vay với mức chi phí cao hơn. Hàm ý thứ ba là thắt chặt chính sách tiền tệ cho dù NHNN chưa có động thái nâng lãi suất điều hành.

VDSC nhấn mạnh điểm thuận lợi là lạm phát Việt Nam vẫn đang diễn biến trong biên độ cho phép nhờ giá dầu thế giới đang giảm, tăng trưởng kinh tế năm 2022 không đáng lo trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ.

Dù vậy, các chuyên gia tại đây đánh giá bức tranh kinh tế năm 2023 đang dần hé lộ với rất nhiều khó khăn phía trước, ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng nhiều khả năng sẽ không thể song hành trong năm sau.