ADB hạ triển vọng khu vực châu Á đang phát triển nhưng duy trì dự báo tăng trưởng GDP 6,5% cho Việt Nam

Thùy Dung 08:20 | 21/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong nhận định tại ấn bản Bổ sung Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố ngày 21/7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay; tuy nhiên duy trì dự báo tăng trưởng 6,5% cho Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu từ ADB cho biết một số nguyên nhân dẫn đến mức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương từ 5,2% xuống còn 4,6% trong năm nay bao gồm: mức tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc trong bối cảnh nước này tiếp tục theo đuổi lập trường Zero COVID, việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển và tác động từ xung đột Nga - Ukraine.

Đối với năm 2023, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực từ 5,3% xuống còn 5,2%.

“Châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương đang tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhiều quốc gia đang nới lỏng các hạn chế đi lại, giúp gia tăng hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng bị chậm lại ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất khu vực – do sự gián đoạn vì các lệnh phong tỏa mới do COVID-19, cũng như nhu cầu toàn cầu suy yếu”, báo cáo của ADB cho hay.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, thì nhận định: “Tác động kinh tế của đại dịch đã giảm trên hầu hết khu vực châu Á, nhưng chúng ta còn xa mới đạt được trạng thái phục hồi hoàn toàn và bền vững. Bên cạnh tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc, hậu quả của cuộc chiến tranh ở Ukraine đã làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải tăng lãi suất, từ đó kìm hãm tăng trưởng. Điều quan trọng là giải quyết tất cả những bất ổn toàn cầu này – vốn đang tiếp tục tạo ra nguy cơ đối với công cuộc phục hồi của khu vực.”

Nền kinh tế của Trung Quốc được dự báo mức tăng trưởng GDP 4,0% trong năm nay, so với mức dự báo 5,0% trong ấn phẩm trước đó. ADB cũng hạ triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ từ 7,5% xuống còn 7,2% trong bối cảnh lạm phát cao hơn dự kiến và thắt chặt tiền tệ.

Riêng với khu vực Đông Nam Á, ADB nâng dự báo tăng trưởng từ 4,9% lên 5,0% cho năm nay trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng cao nhờ việc nới lỏng các hạn chế do COVID-19.

Tại Việt Nam, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 như được công bố trong ấn phẩm ADO tháng 4. Tăng trưởng được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công. 

Ngoài việc hạ dự báo tăng trưởng khu vực, ADB cũng nâng dự báo lạm phát trong khu vực trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu cao hơn. Lạm phát ở châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương được dự báo tăng lên 4,2% trong năm nay, so với dự báo trước đây là 3,7%, Đồng thời, nâng dự báo lạm phát từ 3,1% lên 3,5% cho năm 2023.Tuy nhiên, xét tổng thể, ADB nhận định áp lực lạm phát trong toàn khu vực vẫn thấp hơn so với các nơi khác trên thế giới.

Nhận định về Việt Nam, các chuyên gia kinh tế từ ngân hàng này cho rằng giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát được duy trì như hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.