Bức tranh thị trường dịch vụ khách sạn trong và sau COVID-19
Sự hồi phục hoàn toàn của thị trường khách sạn - ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của CBRE, dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.
Trong khi đó, du khách nội địa được kì vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sự sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020.
Ảnh: CBRE Việt Nam
CBRE (Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ) nhận định, tình hình hoạt động của các khách sạn trong quý III sẽ tiếp tục khó khăn và không có nhiều biến chuyển so với quý II trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam dự báo, thị trường khách sạn trong 2021 sẽ luôn trong tư thế phòng thủ.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội cho hay, tại Hà Nội nguồn cung thị trường khoảng 9.950 phòng. Do cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn trong quý II/2020. Hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực trung tâm Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa. Giá phòng trung bình giảm -14% theo quý và -24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.
Theo nhận định đến giữa năm 2021 mới có thể hồi phục hoàn toàn được. Ảnh minh họa
Mặc dù lượng khách du lịch quốc tế thấp, nhưng có những dấu hiệu tích cực, bởi khách du lịch tới Hà Nội hầu hết là khách nội địa và công tác. Lượng khách tới Hà Nội đã có sự tăng trưởng rõ rệt qua từng tháng trong quý II. Trong tháng 6, đã có 792.000 lượt khách tới Hà Nội, trong khi tháng 5 là 258.000 lượt và tháng 4 chỉ có 35.500 lượt.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Theo Sở du lịch TP. Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế tại thành phố này trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 69% theo năm xuống 1,3 triệu lượt. Nguồn cung nội địa là nguồn cầu tiềm năng, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 8,1 triệu khách nội địa trong 6 tháng đầu năm, cao nhất cả nước.
Theo ông Mauro Gasparotti, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số.
Việc tái bùng phát dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trong tháng 7 đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó TP. HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%.
Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các chủ khách sạn. Tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực thì nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính Phủ, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và 10 mặc dù đã bắt đầu vào mùa du lịch nội địa thấp điểm. Hiện các chuyến bay quốc tế vẫn còn bị hạn chế dù nhu cầu du lịch nội địa đang trên đà khôi phục.
Do thế giới chưa khống chế được dịch nên lượng khách sử dụng khách sạn tại Việt Nam chủ yếu trong nội địa. Ảnh minh họa
Ông Mauro Gasparotti cũng nhận định, vẫn còn nhiều thách thức và rất khó để dự đoán bức tranh ngành du lịch năm 2021 vì khả năng hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn là một câu hỏi lớn.
Do đó, chủ sở hữu vẫn nên duy trì sự tích cực với những kế hoạch dài hạn nhưng cần chú trọng trong việc kiểm soát dòng tiền trong thời gian tới và tập trung vào việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của thị trường nội địa. Các định chế tài chính cũng nên làm việc chặt chẽ với chủ sở hữu và nhà điều hành để đảm bảo dòng tiền hoạt động cho những tháng tiếp theo.
Việc quản lý và hoạch định ngân sách cũng quan trọng hơn bao giờ hết, các chủ sở hữu cần kiểm soát chi phí một cách thận trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo kịp thời khôi phục hoạt động kinh doanh khi nhu cầu du lịch quay trở lại.
Liên quan đến vấn đề hoạch định ngân sách, ông Mauro nhấn mạnh, các dự phòng cần được cập nhật thường xuyên theo diễn biến của thị trường. Việc giao tiếp, cập nhật dữ liệu thường xuyên giữa chủ sở hữu và đội ngũ quản lý là cực kỳ quan trọng vì đây là cơ sở cho việc dự toán 2021 một cách đúng đắn.
Đánh giá trong dài hạn, CBRE vẫn cho rằng, triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.
Hơn nữa, Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Sự hồi phục của phân khúc khách sạn còn phải phụ thuộc vào việc khống chế dịch. Ảnh minh họa
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi khoảng giữa năm 2021, còn thị trường quốc tế sẽ vào tầm cuối 2021. Điều này cho thấy, phải đến cuối năm 2021 khi thế giới kiểm soát được dịch, giao thương quốc tế mới được trở lại bình thường, thì lúc đó thị trường khách sạn mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Rõ ràng, sự hồi phục của phân khúc khách sạn sớm hay muộn còn phải phụ thuộc vào việc khống chế dịch.
Hải Yến