Bức tranh tươi sáng của ngành nhựa

Trang Mai 09:27 | 30/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo kinh doanh quý III và luỹ kế 9 tháng đầu năm, đa phần doanh nghiệp nhựa đều có kết quả tươi sáng khi ghi nhận doanh thu và lãi ròng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có lượng tiền và tài sản tương đương tiền ổn định.

Năm 2022, quy mô và sản lượng ngành nhựa ngày càng được mở rộng nhờ hoạt động đầu tư mạnh mẽ của khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cùng xu hướng dịch chuyển sản xuất các dòng sản phẩm thân thiện môi trường, phù hợp với xu thế phát triển xanh của thế giới. 

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, trong năm 2021, dù bị tác động tiêu cực của Covid 19, hàng loạt hoạt động kinh doanh phải tạm dừng, lệnh phong toả khắp nơi trên thế giới, thế nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn đạt 4,93 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2020. Với mức tăng trưởng gần 35% (tương ứng tăng thêm gần 1,3 tỷ USD), là con số rất lớn so với tăng trưởng của nhiều ngành xuất khẩu khác.

Nếu tính cả xuất khẩu nguyên liệu nhựa đạt 2,26 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2020, thì năm 2021, ngành nhựa đóng góp 7,19 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bước sang 2022, dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nhất là chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết, lợi nhuận doanh nghiệp nhựa vẫn có thể bật tăng nhờ giá vốn nguyên liệu giảm.

Theo công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), hiện tại Việt Nam chưa làm chủ được chuỗi giá trị sản xuất nhựa xây dựng nên hạt nhựa PVC nhập khẩu chiếm 70% giá vốn hàng bán và tác động đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

VCBS nhận định giá PVC trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023 sẽ duy trì ở mặt bằng giá thấp trong vùng 800-1.000 USD/tấn.

Nguyên nhân là nguồn tại Mỹ đã phục hồi sau thời gian dài thiếu hụt. Đồng thời, nguồn cung trên thế giới tăng mạnh do kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp lớn. Các nhà sản xuất lớn tại Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc đầu tư mở rộng sản xuất PVC ngay trong năm 2022. Từ nay tới năm 2026, công suất PVC có thể tăng 17% lên mức 70 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc chiếm tới 50% sản lượng sản xuất và tiêu thụ PVC trên toàn thế giới. Nhu cầu PVC đã sụt giảm tại Trung Quốc do thị trường bất động sản hụt hơi, trong đó nhu cầu PVC cho xây dựng tại quốc gia này chiếm tới 62%. Nhu cầu tiêu thụ PVC của Trung Quốc có thể ở mức thấp cho tới hết năm 2023.

VCBS cho rằng trong quý III/2022, kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp nhựa sẽ tăng trưởng tốt so với mức nền thấp của năm 2021 nhờ triển vọng của ngành xây dựng. Các chuyên gia cho biết, ngành nhựa xây dựng được chia ra làm 2 phân khúc chính là ống nhựa xây dựng (ống nhựa PVC, PPR, HDPE) và nhựa vật liệu xây dựng (thanh profile, cửa nhựa, tấm trần...).

Trên thực tế, theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, những doanh nghiệp dẫn đầu ngành nhựa đều tăng trưởng lãi ròng so với cùng kỳ.

CTCP Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA)

Trong quý III, AAA báo cáo doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.280 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,7% so với quý III/2021. Trừ 2.972 tỷ đồng, doanh nghiệp thu về hơn 308 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp đạt 9,4%, không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trừ các chi phí, doanh nghiệp thu về 105 tỷ đồng trước thuế, tăng 12,3% và lãi ròng 77 tỷ đồng, tăng 15% so với quý III/2021. 

Luỹ kế 9 tháng, AAA ghi nhận doanh thu thuần 11.883 tỷ đồng, tăng 32,7% và lãi ròng 266 tỷ đồng, tăng 13 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021.  

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP)

Trong quý III, NTP thu về 1.321 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh 34% lên 1.063 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ 4% xuống 258 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay) tăng lên gần 17 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận trước thuế đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 8,5% và lãi ròng 83,8 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, NTP thu về 4.123 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22,8% và lãi ròng 410 tỷ đồng, tăng 17,8%. 

CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) và công ty con

Theo BCTC hợp nhất quý III/2022, BMP ghi nhận doanh thu thuần 1.496 tỷ đồng, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ, chiếm chủ yếu là doanh thu bán thành phẩm với 1419 tỷ đồng, doanh thu bán vật tư gần 77 tỷ đồng. Tuy giá vốn có tăng 113% lên 1.073 tỷ đồng nhưng vẫn có mức tăng chậm hơn nên doanh nghiệp vẫn thu về 423 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,5% lên 28,3%.

Quý III/2021, BMP ghi nhận kỳ lỗ đầu tiên trong lịch sử công ty với gần 26 tỷ đồng. Đến hết quý III năm nay, doanh nghiệp đã lãi ròng hơn 175 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả lợi nhuận quý cao nhất của BMP kể từ quý IV/2016 và toàn bộ lợi nhuận đều của Công ty mẹ. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, BMP có doanh thu thuần 4.400 tỷ đồng, lãi ròng gần 448 tỷ đồng. 

 

Cơ cấu tài sản các doanh nghiệp ngành nhựa

CTCP Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA)  

Tính đến 30/9, AAA có tổng tài sản 11.278 tỷ đồng, tăng 12,7% từ đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 1.818 tỷ đồng, tương đương 15,9% tổng tài sản; bao gồm: 431 tỷ đồng tiền mặt, 922 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 466 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (cả ngắn hạn và dài hạn).

Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.953 tỷ đồng, trong đó 1.100 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng; 330 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn. Hiện hàng tồn kho doanh nghiệp còn 2.159 tỷ đồng, tăng 116% từ đầu năm, chủ yếu là nguyên, vật liệu và hàng hoá.  

Tài sản dài hạn ghi nhận 5.139 tỷ đồng, tăng 10,4%. Công ty có 1.932 tỷ đồng tài sản cố định, 500 tỷ đồng bất động sản đầu tư, 902 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn. Ngoài ra là khoản 1.399 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.

Tính đến 30/9/2022, AAA ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ 4.883 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.326 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay và nợ thuê tài chính ghi nhận 2.021 tỷ đồng, giảm 162 tỷ đồng từ đầu năm. Nợ dài hạn tăng 22,3% lên 1.557 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.386 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý III là 6.395 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 628 tỷ đồng. 

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) 

Tính đến 30/9, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong có tổng tài sản 5.722 tỷ đồng, tăng 16,8% từ đầu năm. Trong đó,tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 1.176 tỷ đồng; hàng tồn kho còn 1.661 tỷ đồng; tài sản dài hạn 2.111 tỷ đồng. 

NTP có tổng nghĩa vụ nợ 2.766 tỷ đồng, tăng 26% từ đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm 2.763 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn là 2.186 tỷ đồng, chiếm 79% tổng nợ của doanh nghiệp. 

CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) và công ty con

Tổng tài sản của BMP tính tới cuối quý III/2022 đạt 3.064 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 11% lên 2.219 tỷ. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 1.255 tỷ đồng, tương đương gần 41%% tổng tài sản; bao gồm: 31 tỷ đồng tiền mặt, 273 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 951 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).

Hàng tồn kho giảm 2% còn  608 tỷ đồng; nợ phải trả giảm 20% xuống còn 435,9 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn giảm 20% còn 414 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm 21% còn 21,7 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, vốn chủ sở hữu tăng 15% lên 2.628 tỷ đồng so với đầu năm.

  Tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn của các doanh nghiệp trên tổng tài sản.  Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC 

 

Về triển vọng ngành nhựa trong dài hạn, VCBS nhận định rằng, sản lượng tiêu thụ vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn khi tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp và kỳ vọng các vấn đề về pháp lý các dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ trong năm 2023 là bệ phóng thúc đẩy mạnh nguồn cung bất động sản trong năm 2024.

Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêu thụ nhựa PVC trên đầu người ở mức khá cao trong khu vực và gần tiệm cận với Trung Quốc, VCBS ước tính mức tăng trưởng của ngành trong giai đoạn tăng trưởng tới sẽ ở mức 7-10%, thấp hơn nhiều mức 15-20% của giai đoạn 2014-2017.