Cả 3 mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng, PNJ ước lãi gần 1.200 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm
PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 21.113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trang sức bán lẻ vẫn là mảng đem về nguồn thu lớn nhất cho PNJ với 10.945 tỷ đồng và chiếm 49,5% doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ. Để có được sự tăng trưởng này, công ty cho biết đã tung ra nhiều bộ sưu tập mới, triển khai chiến dịch marketing nhằm thu hút nhiều khách hàng mới và tăng cường tỷ lệ khách hàng cũ quay lại.
Đứng thứ hai trong cơ cấu doanh thu (41,5%) đến từ vàng 24K với 9.177 tỷ đồng, tăng gần 81% so với cùng kỳ nhờ sự sôi động của thị trường.
Lợi nhuận gộp của PNJ đạt 3.630 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trung bình trong 6 tháng đạt 16,4%, giảm so với mức gần 19% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh. Mảng vàng 24K với biên lợi nhuận không cao đóng góp tỷ trọng lên tới 41,5% doanh thu, cao hơn so với mức 30,7% cùng kỳ năm trước.
CEO PNJ Lê Trí Thông từng cho biết, tỷ trọng hàng hóa vàng 24K tăng lên thì tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm đi, bởi biên lợi nhuận kinh doanh vàng miếng hiện chưa đến 1%.
Năm 2024, PNJ lên kế hoạch doanh thu thuần 37.148 tỷ đồng và 2.089 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau hai quý, công ty đã thực hiện được lần lượt 60%, 56% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra.
Còn tính riêng quý II, doanh thu thuần của PNJ ước đạt 9.519 tỷ đồng tăng 43%, lợi nhuận sau thuế 429 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Về hoạt động mở rộng, tính đến cuối tháng 6, PNJ cho biết đã mở 13 cửa hàng mới và đóng 8 cửa hàng, qua đó nâng tổng số lượng trong hệ thống lên 405 cửa hàng.
Trong phân tích doanh nghiệp công bố cuối tháng 6 mới đây, Chứng khoán SSI Research nhận định, trong tháng 5, Chính phủ tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh vàng và trang sức (bao gồm PNJ, các chuỗi thương mại hiện đại khác và cửa hàng nhỏ lẻ) để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu vàng đầu vào có hợp pháp hay không. Trong bối cảnh đó, một số cửa hàng vàng bạc và trang sức nhỏ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp đã phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh. Do đó, đơn vị phân tích kỳ vọng PNJ sẽ giành được thị phần từ các cửa hàng này.
SSI Research ước tính lợi nhuận ròng năm 2024 - 2025 của PNJ sẽ đạt lần lượt 2.220 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 2.570 tỷ đồng (tăng 16%).
Trong một dự báo hồi tháng 5 vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng cho rằng, kết quả kinh doanh năm nay của PNJ sẽ chịu tác động nhiều mặt từ việc giá vàng tăng.
Về mặt tích cực, MAS cho rằng, giá vàng tăng sẽ thu hút đầu cơ tích trữ, điều này hỗ trợ dòng tiền của PNJ khi vòng quay hàng tồn kho cao hơn. Mặt khác, do kênh bán lẻ, không phải vàng 24K, mới là trụ cột cho lợi nhuận của PNJ, nên việc giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp bán lẻ vì công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí cho khách hàng. Ngoài ra, giá trang sức cao hơn có thể cản trở nhu cầu và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp hơn.
Theo đó, MAS điều chỉnh tăng dự báo doanh thu 2024 của PNJ lên 38.741 tỷ đồng (tăng hơn 2.600 tỷ so với dự báo trước đó); nhưng đồng thời hạ dự báo lợi nhuận sau thuế xuống 2.098 tỷ đồng (giảm 80 tỷ đồng so với dự báo trước).