MAS: Giá vàng tăng đang hỗ trợ dòng tiền của PNJ, nhưng biên lãi gộp có thể chịu áp lực

Diên Vỹ 11:55 | 06/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), kết quả kinh doanh năm nay của PNJ có thể chịu tác động nhiều mặt từ việc giá vàng tăng. Ở phía tích cực, giá vàng tăng sẽ thu hút đầu cơ tích trữ, qua đó hỗ trợ dòng tiền của PNJ khi vòng quay hàng tồn kho cao hơn.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 đã công bố, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cho biết doanh thu thuần trong quý đạt 12.594 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời xác lập mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động trong bối cảnh nhu cầu vàng tăng mạnh. 

Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu, PNJ ghi nhận doanh thu vàng 24K quý qua tăng mạnh 66,3% so với cùng kỳ trong khi doanh thu mảng bán lẻ tăng 12,1% và doanh thu trang sức bán sỉ tăng 7,5%. 

Nhìn chung, việc doanh thu vàng 24K tăng mạnh trong quý đã làm thay đổi cơ cấu tổng doanh thu khi tỷ trọng đóng góp của doanh thu từ vàng 24K tăng lên 41% từ mức 31,6% của quý I/2023. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu bán lẻ giảm xuống 50,5% từ mức 57,7% cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên do lợi nhuận của vàng 24K không lớn nên lợi nhuận gộp của PNJ chỉ tăng 13,2% CK, đạt 2.149 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 16,9%, giảm từ mức 19,2% cùng kỳ 2023.

Trong kỳ, chi phí quản lý, bán hàng của PNJ cũng ghi nhận tăng lên 1.203 tỷ đồng, tức tăng gần 29% so với cùng kỳ, tỷ lệ thuận với mức tăng của doanh thu. Do đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/ lợi nhuận gộp của PNJ cũng tăng lên 56% trong quý I từ mức chỉ 49,2% cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, lợi nhuận hoạt động trong quý của PNJ đạt gần 937 tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 738 tỷ đồng, giảm 1,4%.

Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu thuần khoảng 37.148 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng (+6% so với cùng kỳ). Như vậy kết thúc quý đầu năm, PNJ đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhóm phân tích MAS nhận định việc doanh thu tăng đáng kể trong quý trong bối cảnh giá vàng sôi động đã giúp PNJ tạo ra dòng tiền nhanh hơn khi dòng tiền hoạt động trong quý I tăng tới 34,9% lên 1.887 tỷ đồng so với mức 1.399 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Điều này đến từ dòng tiền vào tăng 93,4% do hàng tồn kho giảm. 

Dự báo cho cả năm 2024, MAS cho rằng kết quả kinh doanh năm nay của PNJ sẽ chịu tác động nhiều mặt từ việc giá vàng tăng.

Cụ thể, về mặt tích cực, giá vàng tăng sẽ thu hút đầu cơ tích trữ, điều này hỗ trợ dòng tiền của PNJ khi vòng quay hàng tồn kho cao hơn. Mặt khác, do kênh bán lẻ, không phải vàng 24K, mới là trụ cột cho lợi nhuận của PNJ, nên việc giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp bán lẻ vì công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí cho khách hàng. Ngoài ra, giá trang sức cao hơn có thể cản trở nhu cầu và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp hơn.

Cùng đó, nhóm phân tích cũng dự báo tốc độ mở rộng hệ thống bán lẻ của PNJ có thể chậm lại trong bối cảnh thị trường vàng nóng làm giảm động lực mở mới cũng như tạo áp lực về nguồn hàng cho cửa hàng mới. Thực tế trong cả quý I qua, số lượng cửa hàng mở mới ròng của PNJ chỉ là 1 cửa hàng trong khi quý IV/2023, PNJ mở mới 10 cửa hàng.

Theo đó, MAS nâng giả định giá vàng trung bình lên 75 triệu đồng/lượng (từ 65 triệu đồng) và hạ số lượng cửa hàng độc lập trung bình năm 2024 của PNJ xuống 405 (từ 410 cửa hàng). 

“Chúng tôi nâng doanh thu dự báo năm 2024 lên 38.741,3 tỷ đồng (+15,7% CK; trước đó: 36.128 tỷ đồng). Chúng tôi giả định chi phí quản lý, bán hàng trên mỗi cửa hàng lên 8,8 tỷ đồng (từ 8,5 tỷ đồng). Theo đó, chúng tôi hạ lợi nhuận sau thuế dự báo năm 2024 xuống còn 2.098,2 tỷ đồng (+6,4% CK; trước đó: 2.178,3 tỷ đồng)”, báo cáo của MAS cho hay.

 Nguồn: MAS

 Nguồn: MAS