Vì sao biên lãi 2024 của PNJ được dự báo 'đi lùi' dù giá vàng tăng nóng, doanh thu kỷ lục?
‘Giá vàng biến động mạnh gây khó khăn cho PNJ’
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt kỷ lục 12.594 tỷ đồng (+28,6% svck) trong bối cảnh thị trường vàng sôi động. Trong đó, mảng vàng miếng 24K ghi nhận doanh số tăng mạnh 68%, đạt 5.176 tỷ đồng khi giá vàng liên tục lập kỷ lục. Doanh thu mảng bán lẻ trang sức đạt 6.373 tỷ đồng, tăng hơn 13%.
Mặc dù doanh thu lập kỷ lục, nhưng do mảng vàng miếng có biên lợi nhuận rất nhỏ nhưng lại gia tăng tỷ trọng lớn trong kỳ này nên lợi nhuận gộp quý I của PNJ chỉ tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 2.149 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm xuống 17,1% (-2,3 điểm % svck).
Biên lãi gộp co hẹp trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh gần 30% khiến lợi nhuận sau thuế quý I của PNJ giảm 1,4% so với cùng kỳ, đạt 738 tỷ.
Trong báo cáo doanh nghiệp mới nhất, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định giá vàng biến động mạnh trong thời gian vừa qua đã gây khó khăn cho PNJ.
Cụ thể, ở điều kiện bình thường, biến động giá vàng có ảnh hưởng vào giá vốn, còn khi giá biến động trên 5% sẽ điều chỉnh giá bán tới khách hàng. Nhóm phân tích KBSV đánh giá PNJ có khả năng duy trì biên lợi nhuận cả khi giá vàng tăng hoặc giảm tương đối ổn định thông qua điều chỉnh giá bán.
Thời gian vừa qua, hiện tượng giá vàng tăng cao giúp doanh thu vàng 24K tăng mạnh và tài sản của PNJ tăng. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng nóng, tình hình kinh doanh của PNJ cũng chịu một số tác động. Thứ nhất, mảng vàng 24K (biên lãi nhỏ) sẽ chiếm thị phần của vàng trang sức. Thứ hai, PNJ lại phải tính toán thời điểm mua nguyên vật liệu đầu vào (tránh mua nhiều khi giá cao) đồng thời phải tìm cách bảo toàn tài sản nếu giá vàng xuống. Thứ ba, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong dự báo nhu cầu mua hàng của khách hàng để đưa vào sản xuất.
KBSV đánh giá những điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh của PNJ như giảm biên lợi nhuận, thừa hoặc thiếu hàng. Thực tế, biên lợi nhuận gộp của PNJ tại quý I/2024 đang ở mức khá thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Dự phóng doanh thu 2024 vượt 40.000 tỷ, nhưng lợi nhuận có thể chỉ tăng nhẹ
Với nhu cầu vàng 24K tăng đột biến thời gian qua, KBSV điều chỉnh tăng dự phóng doanh thu cả năm của PNJ lên 40.411 tỷ đồng, tức tăng 3.000 tỷ đồng so với dự phóng cũ. Trong đó, dự phóng doanh thu từ vàng 24K khoảng 14.905 tỷ đồng (+42,8% svck) và doanh thu từ bán lẻ trang sức đạt 21.780 tỷ đồng (+12,9% svck). Ngoài ra, doanh thu bán sỉ dự phóng tăng 10%, đạt 3.135 tỷ đồng.
Nhóm phân tích kỳ vọng với những nỗ lực ổn định thị trường vàng của các cơ quan chức năng, biên lãi gộp cả năm của PNJ có thể nhích nhẹ lên 17,3% (từ mức 17,1% của quý I) dù vẫn thấp hơn 1 điểm % so với mức 18,3% của năm 2023.
Mặc dù dự phóng doanh thu 2024 kỷ lục, KBSV điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế của PNJ xuống 2.118 tỷ đồng, tức giảm hơn 5% so với dự phóng cũ trong bối cảnh giá vàng biến động có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty, ngoài ra chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Trong một dự báo hồi tháng 5 vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng cho rằng kết quả kinh doanh năm nay của PNJ sẽ chịu tác động nhiều mặt từ việc giá vàng tăng.
Về mặt tích cực, MAS cho rằng giá vàng tăng sẽ thu hút đầu cơ tích trữ, điều này hỗ trợ dòng tiền của PNJ khi vòng quay hàng tồn kho cao hơn. Mặt khác, do kênh bán lẻ, không phải vàng 24K, mới là trụ cột cho lợi nhuận của PNJ, nên việc giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp bán lẻ vì công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí cho khách hàng. Ngoài ra, giá trang sức cao hơn có thể cản trở nhu cầu và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp hơn.
Theo đó, MAS điều chỉnh tăng dự báo doanh thu 2024 của PNJ lên 38.741 tỷ đồng (tăng hơn 2.600 tỷ so với dự báo trước đó); nhưng đồng thời hạ dự báo lợi nhuận sau thuế xuống 2.098 tỷ đồng (giảm 80 tỷ đồng so với dự báo trước đó).