Các doanh nghiệp lớn Việt Nam ngày càng mạnh tay đầu tư ra nước ngoài

15:59 | 17/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 7 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Vingroup, Vietcombank, Masan, Viettel… đã mạnh tay bỏ ra hàng trăm triệu USD để đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường kinh doanh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 570,1 triệu USD, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ.

Trong đó, có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 145,3 triệu USD, bằng 70,4% so với cùng kỳ và 11 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 424,8 triệu USD, tăng 9,1 lần so với cùng kỳ.

Số liệu thống kê cho thấy, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 148,6 triệu USD, chiếm 26,1%; tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,...

Trong 7 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã dốc vốn vào 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,8 triệu USD, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư 89,2 triệu USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Lào, Canada… với vốn đầu tư đạt 47,8 triệu USD và 32,1 triệu USD.

Như vậy, lũy kế đến ngày 20/07/2021, Việt Nam đã có 1.423 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư Việt Nam 21,8 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,8%); Campuchia (13,1%); Nga (12,9%)…

Vingroup

Các doanh nghiệp lớn Việt Nam ngày càng mạnh tay đầu tư ra nước ngoài - ảnh 1

Logo Vinfast xuất hiện đầy ấn tượng tại Quảng trường Thời Đại

Nhắc đến những công ty mạnh tay chi tiền đầu tư ra nước ngoài không thể không nhắc tới Vingroup. Kể từ đầu năm tới nay, đúng hơn là chỉ trong tháng 3/2021, Tập đoàn này đã đăng ký đầu tư 4 dự án ra nước ngoài và tăng vốn đầu tư ở Mỹ, Đức.

Trong đó, có 3 dự án ở Pháp, Hà Lan và Canada, với vốn đầu tư mỗi dự án là 32 triệu USD. Ngoài ra, còn một dự án ở Singapore, vốn đầu tư 20,5 triệu USD. Các dự án này được đầu tư với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ô tô.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng mạnh tay chi tiền để điều chỉnh vốn đầu tư dự án tại Mỹ thêm 300 triệu USD, đồng thời tăng vốn dự án của Vinfast tại Đức thêm 32 triệu USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Vingroup trong đợt này lên tới 448,5 triệu USD, một con số không nhỏ. Với các hoạt động đầu tư này, Vingroup đang đẩy nhanh chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan và Đức. Lĩnh vực mà Vingroup tập trung đầu tư chính là ô tô, với mục tiêu từng bước đưa VinFast trở thành hãng ô tô điện thông minh toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu này, Vingroup cũng vừa công bố bổ nhiệm ông Michael Lohscheller, người từng giữ vị trí Phó chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu, làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu.

Ông Michael Lohscheller sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp quản lý và điều hành các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan.

Bên cạnh đó, ông Michael Lohscheller cũng sẽ tham gia thúc đẩy chiến lược vươn tầm quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.

Vietcombank

Các doanh nghiệp lớn Việt Nam ngày càng mạnh tay đầu tư ra nước ngoài - ảnh 2

Hầu hết ngân hàng thương mại trong nước đều đã mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý của mình ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, số ngân hàng có thể mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại nước ngoài hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong số ít ngân hàng hiện diện tại nước ngoài, chủ yếu vẫn tập trung tại thị trường Lào và Campuchia. Đây cũng được xem là 2 thị trường nước ngoài lớn nhất của các ngân hàng Việt. Thì từ cuối năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã mở văn phòng đại diện ở Mỹ sau khi được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phê duyệt hồ sơ xin cấp phép và được cơ quan quản lý nước này cấp giấy phép hoạt động tại Mỹ.

Trong mạng lưới kinh doanh nước ngoài của nhà băng này, ngoài ngân hàng con được thành lập tại Lào hồi tháng 10/2018, Vietcombank còn sở hữu 1 văn phòng đại diện tại Singapore, và 2 công ty con khác tại nước ngoài.

Cụ thể, Vietcombank hiện sở hữu 100% vốn Công ty tài chính Việt Nam - VFC tại Hong Kong (vốn 117 tỷ đồng) và 87,5% vốn tại Công ty Chuyển tiền Vietcombank - VCBM tại Mỹ (vốn 205 tỷ đồng).

Trong đó, VFC hoạt động như một ngân hàng thu nhỏ tại thị trường Hong Kong gồm nhận tiền gửi, tín dụng, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền... Lợi nhuận trước thuế của VFC năm 2019 đạt 9,08 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch.

Còn VCBM hoạt động trong lĩnh vực chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam. Dù được thành lập từ năm 2009, nhưng theo Vietcombank, 2018 mới là năm đầu tiên công ty ghi nhận lợi nhuận dương. Tuy không tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể, nhưng ngân hàng cho biết tổng doanh số trong năm 2018 của VCBM đạt xấp xỉ 3.700 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2017. Sang đến năm 2019 Lợi nhuận trước thuế của VCBM đạt 4,55 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch.

Masan Group

Các doanh nghiệp lớn Việt Nam ngày càng mạnh tay đầu tư ra nước ngoài - ảnh 3

Dây chuyền nhà máy hiện đại của Masan Resources

Giữa năm 2020, Công ty TNHH Vonfram Masan - công ty con do Công ty CP Tài nguyên Masan sở hữu 100% vốn, thuộc Tập đoàn Masan cũng hoàn tất giao dịch mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh vonfram từ H.C.Starck Group GmbH (Đức) - tập đoàn chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao.

Trong báo cáo thường niên năm 2020 vừa công bố, Tập đoàn Masan cho biết việc mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở lại nhà chế biến sâu hóa chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu. Hiện trong lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, Masan đã xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam...

Viettel

Các doanh nghiệp lớn Việt Nam ngày càng mạnh tay đầu tư ra nước ngoài - ảnh 4

Mytel - thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Myanmar

Sau 15 năm đầu tư ra nước ngoài, với bước chân đầu tiên ở Campuchia, hiện Viettel đã có mặt ở 10 quốc gia, Tập đoàn Viettel đã làm những điều mà rất ít công ty trên thế giới làm được.

Vào tháng 10 năm ngoái, trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính cho biết, năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là một trong 2 doanh nghiệp có tỉ trọng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, chỉ sau tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)

Theo đó, Viettel và đơn vị thành viên là Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga. Các dự án viễn thông của Viettel tại các nước châu Phi đã hoạt động và bắt đầu có dòng tiền chuyển về nước. Các dự án tại Haiti, Mozambique và Cameroon đang trong quá trình hoàn vốn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sang năm 2021, tất cả thị trường đầu tư nước ngoài của Viettel đều tăng thị phần, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Haiti tăng 1,5%, Peru tăng 1,4%. Bốn thị trường vẫn giữ vị trí dẫn đầu là Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Tại Myanmar, Viettel đã tiến gần đến vị trí số 1 với 30,8% thị phần viễn thông.

Chia sẻ về chặng đường 15 năm đầu tư ra nước ngoài của Viettel, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, Chủ tịch HĐQT Viettel Global nói: “Khi đến quốc gia nào đầu tư, Viettel đều không chỉ làm kinh doanh mà luôn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, mang những điều tốt đẹp, đóng góp cho đất nước mình đang hoạt động. Đó là chiến lược nhất quán, không thay đổi. Vì thế, ở Việt Nam, Viettel đã tiên phong kiến tạo xã hội số thì chúng tôi cũng làm điều tương tự ở các thị trường quốc tế”.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng dù dịch COVID-19 là nhờ sự cởi mở của môi trường pháp lý đầu tư, hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài ngày càng hoàn thiện. Qua đó, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng thể hiện rõ nét qua thị trường, lĩnh vực và quy mô đầu tư.

Trả lời trên báo Người lao động, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới nhật xét, việc doanh nghiệp Việt Nam tăng đầu tư sang các thị trường lớn, có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao như Mỹ, Canada, châu Âu... là tín hiệu tốt, cho thấy chất lượng đầu tư được cải thiện.

TS Võ Đại Lược phân tích, trước đây, đầu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp nhà nước và các thị trường lân cận trong khu vực thì nay doanh nghiệp tư nhân đã tăng đầu tư ra nước ngoài với số vốn đáng kể. Quan trọng nhất, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã không dừng lại ở nông nghiệp với giá trị gia tăng thấp mà đang chuyển hướng sang lĩnh vực dẫn đầu là công nghệ, không chỉ cho thấy trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo cơ hội lớn cho hoạt động liên kết, nhập khẩu công nghệ về ứng dụng trong nước.

Dẫn chứng Trung Quốc đầu tư rất lớn sang Mỹ, TS Võ Đại Lược cho rằng đây là mô hình để Việt Nam học hỏi bởi dòng đầu tư xuyên quốc gia đang là xu thế của thế giới với sự tham gia của hầu hết các nước phát triển và nước đang phát triển tốp trên.

"Để khuyến khích doanh nghiệp, Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt thủ tục pháp lý cần thiết, tư vấn pháp luật, thông tin về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của nước đối tác. Trong đó, ngoài ưu đãi cho DN nhà nước, cần đặc biệt quan tâm đến khối tư nhân bởi trong khối này đang nổi lên những tập đoàn có tiềm lực mạnh, có thể vươn xa ra thế giới" - chuyên gia này nói thêm.

H.A

Xem thêm: Đầu tư từ nước Anh vào Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới?