Các hãng hàng không "lục đục" vì giá sàn vé máy bay

13:20 | 25/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Cục Hàng không Việt Nam đã khiến các hãng hàng không bất đồng quan điểm với nhau, khi đang chia làm 2 nhóm ủng hộ và phản đối.

Vietravel Airlines và Vietjet phản đối

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về hoàn thiện hồ sơ dự thảo thông tư quy định khung giá vé máy bay nội địa.

Trong báo cáo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay, các hãng hàng không hiện chia làm 2 nhóm, 1 nhóm ủng hộ, 1 nhóm phản đối.

Cục Hàng không khẳng định áp sàn giá vé máy bay là phù hợp trong ngắn hạn và đã được đánh giá tác động đầy đủ

Nhóm ủng hộ gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways, nhóm này nhất trí với đề xuất áp giá sàn khi cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

Trường hợp áp dụng mức giá tối thiểu theo đề xuất của Cục Hàng không, doanh thu của Vietnam Airlines năm 2019 tăng thêm 20 tỷ đồng, năm 2020 tăng thêm 390 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm 2021 tăng thêm 270 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu của Pacific Airlines trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng thêm 338 tỷ đồng.

Phía Bamboo Airways, hãng hàng không này cho rằng mức giá tối thiểu hợp lý sẽ là công cụ điều tiết tốt cho công tác bán của hãng, tác động tích cực đến doanh thu đường bay trên cơ sở vẫn đảm bảo sức mua của thị trường.

Còn 2 hãng phản đối là Vietravel Airlines và Vietjet. Các đơn vị này cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Cụ thể, Vietravel Airlines đánh giá áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn. Các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội tàu bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu. Hãng đề xuất cân nhắc áp dụng mức giá sàn riêng biệt cho từng loại hình kinh doanh (hàng không truyền thống và giá rẻ).

Phía Vietjet Air cho rằng chính sách quy định mức giá tối thiểu sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các tầng lớp người dân trong xã hội, nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không; không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch COVID-19 kết thúc.

Cục Hàng không cũng cho hay đề xuất áp giá sàn vé máy bay mang tính tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

Cục này cũng thừa nhận việc áp giá sàn cũng tồn tại các bất cập, hạn chế của chính sách là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng hàng không không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các hãng hàng không.

Theo Cục Hàng không, chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng Hà Nội - TP.HCM năm 2019 (không chịu ảnh hưởng dịch COVID-19) của 4 hãng (Vietjet không có số liệu báo cáo) là: Pacific Airlines 1,402 triệu đồng, Vietravel Airlines 1,440 triệu đồng (số liệu ước tính do năm 2019 chưa bay), Vietnam Airlines 1,539 triệu đồng, Bamboo Airways 1,662 triệu đồng.

Từ đó, Cục Hàng không nhận định với mức chi phí bình quân của các hãng là 1,511 triệu đồng, bằng khoảng 47% so với mức giá tối đa hiện hành thì mức giá sàn 20% mà cơ quan này đề xuất bằng khoảng 43% chi phí bình quân của hãng hàng không là phù hợp.

Mức giá sàn bằng 20% giá tối đa sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ (giá phục vụ hành khách và đảm bảo an ninh), chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho 1 vé 1 chiều chặng Hà Nội - TP.HCM là 824.000 đồng. Số tiền này xấp xỉ mức giá ghế ngồi mềm điều hòa của tàu hỏa và ngang bằng giá vé ô tô.

Cục Hàng không cho rằng khung giá sàn và trần tại dự thảo Thông tư vẫn tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines (hãng hàng không Quốc gia).

Ngoài ra, các hãng có thể tồn tại, duy trì hoạt động thì ngành hàng không mới có điều kiện để phát triển bền vững, tạo tiền đề cho các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế trong tương lai.

Áp giá sàn, lợi thế nghiêng về hãng lớn

Trả lời trên báo Dân trí, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa là không hợp lý. Làm như thế  sẽ gây khó cho chính doanh nghiệp hàng không. Bởi nhiều khi doanh nghiệp muốn giảm giá vé nhưng không thể giảm được, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang muốn kích cầu. Hơn nữa, việc áp sàn vé máy bay còn gây thiệt cho người tiêu dùng.

Vị chuyên gia này phân tích, giả sử, doanh nghiệp muốn giảm giá vé xuống 0 đồng mà giờ phải áp dụng giá sàn tối thiểu như thế nghĩa là người tiêu dùng phải trả giá sàn đó. Cho nên, việc này vừa làm khó cho doanh nghiệp, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour, cho biết không nên áp giá sàn vé máy bay mà để thị trường quyết định. Việc áp giá sàn sẽ khiến chi phí giá vé máy bay tăng lên, đồng nghĩa giá tour trọn gói ở các công ty lữ hành cũng tăng theo.

"Giá vé máy bay hiện chiếm 70% giá tour du lịch. Giả sử, khách đặt tour Đà Nẵng với giá 5 triệu đồng thì giá vé máy bay sẽ rơi vào khoảng 3,2 - 3,5 triệu đồng. Nếu các hãng hàng không tăng giá vé thì đơn vị lữ hành cũng phải tăng giá tour và khách hàng sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để chi trả", ông Năng nói trên báo Dân trí.

Theo ông Năng, hiện nay, mỗi hãng hàng không đều có những phân khúc khách hàng khác nhau từ bình dân cho đến cao cấp. Việc lựa chọn hãng bay sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Nếu áp sàn giá máy bay, lợi thế sẽ nghiêng về một số hãng, đặc biệt là hãng lớn, từ đó sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

Trước đó vào cuối tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định, thời gian áp dụng là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/10/2022.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng một vé mỗi chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng một vé mỗi chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.