Các hãng sản xuất vắc xin COVID-19 lớn đã lên kế hoạch ứng phó siêu biến thể Omicron
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể COVID-19 mới với tên gọi Omicron (ký hiệu B.1.1.529) có những đặc tính "đáng quan ngại" và tiềm ẩn rủi ro tái lây nhiễm cao hơn các biến thể trước.
Omicron có tới hơn 50 loại đột biến, trong đó có 32 đột biến ở các protein gai, nhiều gấp đôi so với biến thể Delta hiện nay. Protein gai là bộ phận của virus có chức năng kết hợp với tế bào trên cơ thể người để gây bệnh.
Các nhà khoa học ở Anh gọi Omicron là "biến thể đáng sợ nhất từ đầu dịch đến nay" và lo ngại rằng quá nhiều đột biến có thể sẽ giúp Omicron kháng các loại vắc xin hiện nay. WHO chưa đưa ra kết luận cụ thể về mức độ nguy hiểm của Omicron và cho rằng thế giới cần nghiên cứu kỹ hơn.
Pfizer và BioNTech cho biết đang nghiên cứu các đặc điểm của Omicron và có thể nhanh chóng điều chỉnh loại vắc xin hiện nay nếu cần thiết.
"Chúng tôi hiểu những lo ngại của giới chuyên gia và đã ngay lập tức bắt đầu nghiên cứu biến thể B.1.1.529", thông cáo của Pfizer và BioNTech cho biết.
Pfizer là tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ còn BioNTech là doanh nghiệp công nghệ sinh học của Đức. Cả hai từng hợp tác với nhau và cho ra một trong những loại vắc xin ngừa COVID-19 được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay, có tác dụng phòng bệnh trên 90%.
Pfizer và BioNTech cho biết nếu phát hiện ra biến thể Omicron có thể chống lại vắc xin, hai doanh nghiệp này có thể điều chỉnh loại vắc xin mRNA hiện nay trong vòng 6 tuần và bắt đầu vận chuyển vắc xin mới trong vòng 100 ngày.
Johnson & Johnson ngày 26/11 tuyên bố đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin của hãng này trên biến thể Omicron.
"Chúng tôi đang theo dõi sát biến thể COVID-19 mới được phát hiện ở phía nam châu Phi và đang thử nghiệm mức độ hiệu quả của loại vắc xin Johnson & Johnson đối với chủng virus đang lây lan nhanh này", hãng dược cho biết.
AstraZeneca cũng thông báo đang tìm hiểu về Omicron và khẳng định nền tảng vắc xin mà hãng này phát triển cùng Đại học Oxford cho phép phản ứng nhanh mỗi khi các đột biến mới xuất hiện.
"AstraZeneca đã bắt đầu nghiên cứu ở những nơi mà biến thể virus mới được phát hiện, cụ thể là Botswana and Eswatini", công ty cho biết.
Thông cáo của Moderna cho biết: "Tiêm liều bổ sung (booster) của một loại vắc xin đã được cấp phép là giải pháp có sẵn duy nhất hiện nay để tăng cường miễn dịch".
Moderna thông báo sẽ thử nghiệm ba loại vắc xin bổ sung chống lại Omicron, bao gồm cả việc tiêm với liều lớn hơn bình thường. Công ty cũng sẽ phát triển một liều vắc xin bổ sung mới, đặc trị Omicron.
Ông Stephane Bancel, CEO của Moderna, nói: "Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định rằng trong quá trình đánh bại đại dịch, chúng ta nhất định phải chủ động ứng phó khi virus thay đổi. Các đột biến của Omicron là đáng lo ngại và trong vài ngày qua, chúng tôi đã hành động nhanh nhất có thể để thực hiện chiến lược khắc chế biến chủng này".
Sự xuất hiện của Omicron đã khiến cho nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn trong phiên cuối tuần. Giá dầu WTI sụt 13% xuống còn 68,2 USD/thùng, giá dầu Brent quốc tế cũng giảm 11,6% còn 72,7 USD/thùng.
Tại Việt Nam, VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hong Kong giảm lần lượt 2,5% và 2,7%.
Ở châu Âu, chỉ số Dax của Đức mất 4,2%, CAC của Pháp và FTSE của Anh bay hơi lần lượt 4,8% và 3,6%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm tương ứng 2,27% và 2,23%; trung bình công nghiệp Dow Jones mất 905 điểm, tương ứng 2,53%, ghi nhận phiên tiêu cực nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và công nghiệp cắm đầu đi xuống. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có lòng tin vào các tập đoàn sản xuất vắc xin. Cổ phiếu Moderna vọt lên 20,6% trong phiên 26/11, Pfizer tăng 6,1%.