Cần hạ thêm lãi suất cho vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Đông Bắc 13:50 | 01/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù được 4 ngân hàng quốc doanh triển khai từ tháng 4 nhưng đến nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được khoảng 95 tỷ đồng và cam kết cho vay gần 1000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay NOXH hiện vẫn ở mức cao.

 

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bắt đầu giải ngân

Mới đây, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường và áp dụng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã phát sinh dư nợ.

Cụ thể, đến nay BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng. Agribank cam kết cho vay một dự án tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng,...

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Có 14/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét, công bố danh mục tổng số 39 dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.406 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vay vốn hơn 17.869 tỷ đồng.

 

Đã có 9 UBND cấp tỉnh công bố danh mục 17 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư hơn 16.839 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn của các dự án hơn 8.920 tỷ đồng. Cụ thể, số dự án của các địa phương này bao gồm: Bình Dương 4 dự án, Đà Nẵng 3; An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh cùng có 2 dự án; các tỉnh còn lại là Tây Ninh, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Giang cùng có 1 dự án.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù nhà ở xã hội là phân khúc có lực cầu lớn trên thị trường nhưng nguồn cung lại hạn chế. Các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó về quỹ đất và các thủ tục đầu tư. Hiện trong luật định, trình tự làm nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn ở một số khâu, một số bước, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó đến được những đối tượng cần thụ hưởng là lãi suất cao. Lãi suất của gói tín dụng này theo quy định thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2%. Hiện lãi suất đang giảm, nên lãi suất cho vay theo gói này cũng đang giảm theo. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện với người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, mức lãi suất vẫn đang cao.

Nhận định trên VTV.vn, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết: "Rõ ràng chúng ta cần giải pháp để tiếp tục hạ lãi suất vay, đặc biệt là cho người mua. Như vậy, mới có thể giải quyết được nhu cầu khó khăn về nhà ở của người dân".

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết lãi suất xuống quanh mức 6%, ông Thanh cho rằng mức lãi suất phù hợp nên tối đa bằng mức lãi suất hiện nay huy động của người dân khoảng 6%. Thu nhập của người dân Việt Nam nói chung so với giá bất động sản thấp hơn 20 lần. Rõ ràng, người mua nhà ở xã hội còn thấp hơn nhiều.

"Các nước trên thế giới đều mua trả góp 20 - 30 năm, không có chuyện như Việt Nam trong 5 năm có thể trả được. Đó chỉ mới giải quyết được ban đầu. Còn thực tế các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore đều phải trả góp 20 - 30 năm", ông Nguyễn Chí Thanh nêu quan điểm.

 Tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chậm. Ảnh TTXVN.

Cần hạ lãi suất cho vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA), bản chất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà là gói tín dụng thương mại, được giảm 1,5-2% lãi suất so với lãi suất vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, chứ không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.

Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí. Đầu tiên, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8-5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm. Bên cạnh đó, thời hạn vay ưu đãi dài hạn tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

“Trước mắt, gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; hoặc chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên, đối với người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội thì tác động rất hạn chế,” ông Châu nhận định.

Chủ tịch HOREA phân tích với mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tuy có thấp hơn một chút so với mức lãi suất 9%/năm mà người mua nhà ở xã hội đang vay hiện nay. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập đô thị mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Riêng mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư thì khá phù hợp và có tác động tích cực, do hiện nay doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất rất cao, có thể lên đến 12-13%/năm. Do đó, nếu được vay với lãi suất chỉ 8,7%/năm sẽ giúp kéo giảm giá thành, giá bán nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của các dự án xây dựng lại nhà chung cư.

Mặt khác, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cũng đã nêu quan điểm về tháo gỡi khó khăn và phát triển nhà ở xã hội. Trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng thương mại xây dựng và triển khai các hoạt động cho vay chủ đầu tư dự án để phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch; Mặt khác, nới lỏng quy mô và điều kiện cho vay các đối tượng mua nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy cần bổ sung đối tượng được vay ưu đãi là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới dạng cho thuê, thuê mua; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, chủ đầu tư; đơn giản hoá thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội.

Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược cho vay tín dụng dài hạn gắn với dự án xây dựng 1 triệu căn nhà xã hội nêu trên để góp phần đẩy nhanh tiến độ và điều kiện hiện thực hoá đề án này trên thực tế.

Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030. Agribank đi tiên phong về gói tín dụng này, với hạn mức cho vay 30.000 tỷ đồng, khách hàng được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án, nếu có tài sản thế chấp. Các ngân hàng còn lại trong nhóm "Big 4" sẽ dành 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi và đang chuẩn bị triển khai. Trong đó, lãi suất cho vay áp dụng đến hết 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm.

Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2% được đánh giá là quá cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm trong gói 30.000 tỷ đồng trước đây và so với mức thu nhập của những người mua nhà.

 

Thủ tướng chỉ đạo NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Theo thông báo, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động, bản lĩnh, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa và thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn nữa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia, cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế; nắm chắc tình hình, diễn biến trong và ngoài nước.....