15 doanh nghiệp bất động sản lãi lớn nhất quý II/2023, có 7 doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm
Theo thống kê của Wichart.vn tính đến hết ngày 30/7, có 66 doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết kết quả kinh doanh quý II/2023. Trong đó, 24 doanh nghiệp tăng lãi và 30 doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái.
Vinhomes (Mã: VHM) và Vincom Retail (Mã: VRE) là hai doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ trong quý. Top doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận còn có Phát Đạt (Mã: PDR), Khang Điền (Mã: KDH), Nam Long (Mã: NLG), Văn Phú - Invest (Mã: VPI) và nhóm bất động sản khu công nghiệp như Kinh Bắc (Mã: KBC), Sài Gòn VRG (Mã: SIP), Sonadezi (Mã: SZN), Nam Tân Uyên (Mã: NTC),…
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) đạt trên 32.800 tỷ đồng doanh thu và 9.650 tỷ đồng lãi ròng trong quý, lần lượt gấp 7,3 lần doanh thu và gấp 14,5 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng lần lượt đạt trên 62.000 tỷ đồng và 21.570 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, doanh số bán hàng của Vinhomes đạt 40.600 tỷ đồng (riêng doanh số quý II đạt 24.900 tỷ đồng), chủ yếu đến từ kênh bán lẻ. Vinhomes cho biết công ty đã bàn giao 5.400 sản phẩm thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 (The Empire).
CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực so với bối cảnh khó khăn chung của ngành. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty đạt lãi ròng trên nghìn tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý đạt xấp xỉ 55% so với mức 57% ở cùng kỳ. Công ty có khoản lãi gần 280 tỷ đồng tiền gửi, tiền cho vay và các khoản đặt cọc.
Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) dẫn đầu lợi nhuận quý với hơn 711 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ ròng trên 276 tỷ đồng. Doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng co gấp 6,9 lần cùng kỳ khi ghi nhận hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 94% doanh thu trong quý của công ty.
Trong 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc đã cho thuê được khoảng hơn 170 ha đất công nghiệp và đã tiến hành bàn giao đất cho các đối tác Foxconn, Goertek. Doanh thu và lãi ròng 6 tháng của công ty lần lượt đạt 4.274 tỷ đồng và 1.652 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh chính của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) ghi nhận doanh thu không đáng kể trong quý II/2023, chỉ có hơn 5 tỷ đồng từ hoạt động cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh thu chuyển nhượng đất đạt trên 850 tỷ đồng.
Công ty thông tin thêm, do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh của công ty vào các dự án không được thuận lợi.
Lợi nhuận trong quý được đóng góp chủ yếu từ khoản thu nhập tài chính hơn 531 tỷ đồng. Đây là phần lãi từ chuyển nhượng cổ phần công ty con. Nhiều khả năng Phát Đạt vẫn chưa thu được dòng tiền thực tế từ hoạt động này bởi khoản lãi từ hoạt động đầu tư được công ty ghi nhận âm hơn 526 tỷ đồng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Xét trong 15 doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu lợi nhuận trong quý II, có 7 doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó mức tăng cao nhất thuộc về Vinhomes và mức tăng khiêm tốn nhất là CTCP Đầu tư Nam Long (tăng 9,17%).
Mặc dù lợi nhuận cao và tăng trưởng tốt trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung chưa phát triển trở lại tính đến hết tháng 6, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận âm khá lớn như Vinhomes (âm 2.763 tỷ đồng), Đầu tư Sài Gòn VRG (âm 1.765 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG; âm 1.611 tỷ đồng),…
Khi thanh khoản bất động sản đứng lại từ quý cuối năm ngoái, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không bán được hàng và gia tăng tồn kho, các khoản phải thu, phải trả đều tăng mạnh, gây áp lực lên dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay cả một số ít doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, được thị trường hấp thụ tương đối khả quan như Nam Long thì dòng tiền công ty vẫn âm trên 1.000 tỷ do tăng tồn kho và phải thu.
Thực tế trong 6 tháng đầu năm, hoạt động bán hàng của nhiều doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng và lượng hàng ra thị trường được hấp thụ với tỷ lệ rất thấp, nhất là những sản phẩm có giá trị cao trên 10 tỷ đồng mỗi sản phẩm. Hoạt động này chỉ mới tiến triển tốt hơn kể từ đầu tháng 7 với rất ít sản phẩm được giao dịch thành công. Và gần đây nhất, nhiều doanh nghiệp ra mắt các giỏ hàng mới với lượng đặt cọc đạt trên 90% nhưng con số này chưa thể phản ánh được ngay vào kết quả kinh doanh.
Do vậy, việc ghi nhận được lợi nhuận tốt không đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản đã ổn định trở lại mà áp lực dòng tiền kinh doanh vẫn còn và có thể tiếp diễn trong nhiều quý tới.