Cần tận dụng tốt lợi thế sẵn có trong quy hoạch cảng biển

18:54 | 03/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, trong năm 2018 ngành hàng hải Việt Nam cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực.

Báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang cho biết: Tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt hơn 153 triệu tấn/km, tăng 10,9% so với năm 2017. Đối với các phương tiện thủy nội địa, năm 2018 tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 171,6 triệu tấn, tăng 30,5% so với năm 2017.

Về cảng biển, hiện tổng số bến cảng được công bố là 272 bến, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. So với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch (2000), hệ thống cảng biển Viêt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng. Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017.

Song song với việc mở rộng hoạt động vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ thực hiện số hóa giấy phép điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển. Triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 25 Cảng vụ Hàng hải từ tháng 7/2018. Tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/7/2018 đến nay là hơn 28.000 hồ sơ, chiếm 87% tổng số hồ sơ được tiếp nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Xuân Sang cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn đọng trong năm vừa qua như: Tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng hải còn nhiều khó khăn. Lực lượng cán bộ, công chức vẫn còn mỏng. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phương tiện phục vụ công tác tại một số đơn vị còn thiếu. Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý.

Cần tận dụng tốt lợi thế sẵn có trong quy hoạch cảng biển - ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá cao kết quả mà cán bộ, nhân viên, người lao động hàng hải đã đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng khẳng định: “Việt Nam là đất nước có hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao. Hầu hết hàng hóa đều phải đi qua cảng biển để vào thị trường nội địa. Vì vậy, hàng hải là lĩnh vực rất quan trọng trong 5 lĩnh vực của ngành giao thông”.

Bộ trưởng cho rằng, hệ thống đường thủy là báu vật của Việt Nam, nhưng trên thực tế, ngành hàng hải vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Việc kết nối với 4 phương thức còn lại, đặc biệt với đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn yếu, tình trạng có cảng, kho bãi nhưng nguồn hàng vận chuyển tới đây lại bị hạn chế do không có kết nối giao thông vẫn tồn tại.

Trên cơ sở đó, trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu ngành hàng hải phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phải thực hiện tốt khâu quy hoạch đồng thời huy động mọi nguồn lực để thuê tư vấn, chuyên gia giỏi làm tốt vấn đề quy hoạch.

Bộ trưởng lấy ví dụ với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Cục Hàng hải Việt Nam phải nghiên cứu quy hoạch lại các cảng nhỏ, tập trung lợi thế cho Lạch Huyện phát triển. Phải tính phương án khi cảng Lạch Huyện có nhiều hơn 2 bến cảng như hiện tại thì việc kết nối giao thông sẽ ra sao? Với lợi thế của Hải Phòng, một cảng Lạch Huyện đã đủ đáp ứng hay cần phải xây dựng thêm cảng khác?

Còn tại khu vực phía Nam, ngành hàng hải cũng phải tham mưu cho Bộ GTVT về việc đường vào cảng Cái Mép - Thị Vải có nên mở rộng để giải quyết tình trạng ách tắc như hiện nay hay không? Có nên hình thành đường sắt, đường thủy nội địa kết nối, gom hàng?

Bộ trưởng nhận định, dù cảng Cái Mép-Thị Vải đã có Đề án giao thông kết nối, song nếu các phương án hoạch định không khả thi, cơ quan chức năng phải thuê tư vấn nước ngoài đánh giá lại. Phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới mà phải có quy hoạch tốt để chúng ta có những trung tâm cảng thực sự chất lượng.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc phát triển cảng biển phải đồng đều. Ngành hàng hải phải chú trọng hơn trong nghiên cứu, hình thành cảng biển ở khu vực miền Trung. Đặc biệt, khu vực ĐBSCL đang có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển hàng hải, nhưng cảng Cái Cui hiện không hiệu quả, chúng ta phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cầu cảng mới, một cầu cảng tận dụng nguồn lực và trí lực của các tập đoàn tư nhân.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng cảng biển, thu hút hàng hóa và các hãng tàu lớn trên thế giới mở tuyến đến Việt Nam, tất cả các cảng biển Việt Nam, các doanh nghiệp ngành hàng hải phải nhanh chóng hình thành một cơ sở dữ liệu lớn để quá trình giám sát, thực hiện thủ tục hành chính tại cảng được tự động hóa hoàn toàn.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng nhấn mạnh, trong thời điểm cả đất nước đang tiến vào cách mạng công nghệ 4.0 việc đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với công nghệ là một việc hết sức cấp thiết của ngành hàng hải. Do vậy, trước mắt ngành hàng hải cần có giải pháp xem xét, sàng lọc để có đội ngũ nhân lực ưu tú. Đồng thời lên kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt về năng lực, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, tạo sân chơi công bằng cho các nhân lực trẻ.