Cần tăng thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị để đáp ứng nhu cầu thị trường
Trong hội thảo phát triển thị trường bất động sản giai đoạn tới, đại diện Bộ Xây dựng cho hay cần tăng thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sáng 27/11, Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã được tổ chức với sự phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Đại học Mở TP.HCM.
Cần tăng thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị
Trong hội thảo, Bộ Xây dựng dự đoán nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở khu vực đô thị tại miền Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh,... và miền Nam là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do tốc độ gia tăng dân số và xu hướng đô thị hóa, bên cạnh đó nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch cũng như nhu cầu cải tạo, mua mới nhà ở cũng người dân.
Bộ Xây dựng nhận định, tỷ lệ dân số đô thị đang chiếm 40% và sẽ tăng tới 45% vào năm 2030, đòi hòi mỗi năm phải tăng thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Các thành phố lớn và khu công nghiệp sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường này, với mật độ dân số cao, đòi hỏi phải gia tăng diện tích. Nếu chỉ tính riêng các phân khúc nhà ở, chung cư giá rẻ, bình dân sẽ là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất, còn nhà ở cho người thu nhập thấp như nhà ở xã hội vẫn tiếp tục tình trạng thiếu hụt.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2014 trở về trước, hầu hết các dự án bất động sản là thiên về nhà ở với nhà ở liền kề, biệt thự với quy mô nhỏ. Đến giai đoạn 2015 -2020, cơ cấu sản phẩm thị trường đã có nhiều thay đổi, đón nhận các xu hướng mới như nhà ở xã hội, văn phòng, trung tâm thương mại, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng,... Dù vậy, cơ cấu các sản phẩm chưa cân bằng, thiếu sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ trong khoảng giá vừa túi tiền của đại đa số người dân, thừa nguồn cung nhà ở cao cấp.
Phó ban Kinh tế Trung ương (TƯ), ông Nguyễn Đức Hiển nhận định, đô thị hóa và phát triển đô thị là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hiển đánh giá: "Không gian đô thị được mở rộng, tốc độ tăng trưởng và số lượng đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020 tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế". Trong đó, đô thị hóa đã góp phần đa dạng hóa loại hình kinh tế, thúc đẩy kinh tế đô thị trở thành một trong ba "trụ cột" tăng trưởng kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc đô thị hóa cũng như phát triển đô thị ở nước ta còn nhiều hạn chế, mất cân đối, còn tồn tại tình trạng hân biệt đối xử và phúc lợi xã hội giữa người di cư, nhập cư với dân cư thành thị. Số lượng đô thị vẫn tăng nhưng chất lượng còn kém, phát triển với mật độ thấp, có nơi mang tính tự phát, thiếu bền vững. Nhiều nơi hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp, dẫn đến việc quá tải và thiếu liên kết, công tác quy hoạch còn chậm cải tiến, chất lượng thấp và thiếu bản sắc riêng. Ông Hiển nhấn mạnh: "Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển".
Tồn đọng nhiều hạn chế, nhà đầu tư gặp khó
Bên cạnh việc ghi nhận những bước tiến của thị trường bất động sản, ông Hiển cũng đưa ra một só hạn chế, bất cập. Điều này thể hiện qua sự phát triển của thị trường chưa bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Nhiều chủ đầu tư bất động sản còn hạn chế về năng lực, triển khai dự án thiếu chuyên nghiệp. Một số dự án phát triển không có kế hoạch, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường dẫn tới sự lệch pha cung - cầu, đặc biệt là tình trạng "thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân".
Về vấn đề này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng nhận định, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn các dấu hiệu không ổn định và phát triển thiếu bền vững, thậm chí có lúc xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, khi "sốt" nóng, khi lại "đóng băng". Ông Châu cũng đề cập tới các văn bản pháp luật quản lý thị trường bất động sản và nhận định: "Rất rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, như một ma trận làm nản lòng nhà đầu tư".
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, do còn một số hạn chế về thể chế, pháp lý nên môi trường kinh doanh lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đảm bảo minh bạch, công bằng. Nhiều công tác thực thi pháp luật còn hạn chế, chẳng hạn trong quy trình thủ tục hành chính vô tình khiến tăng mức chi phí đầu tư và tăng giá nhà. Ông Châu kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm xem xét, ban hành các văn bản liên quan tới dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường, theo Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Ông Nguyễn Đức Hiển nhận định, hy vọng hội thảo lần này có thể trở thành một trong những luận cứ để Ban Kinh tế TƯ sử dụng, tổng hợp vào Đề án đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong thời gian tới.
Linh Chi (t/h)