Cảnh báo hành khách chi tiền triệu vẫn mua phải vé máy bay giả dịp cận Tết Nguyên đán

16:05 | 15/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gần Tết Nguyên đán là thời điểm vé máy bay giả xuất hiện trên thị trường khiến không ít hành khách mất tiền triệu vẫn mua phải vé giả.
Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tình hình khách du lịch bằng đường hàng không sụt giảm so với mọi năm, Kéo theo tình hình kinh doanh vé máy bay dịp Tết Nguyên Đán chưa mấy khả quan.
 
Tuy nhiên, ngày 15/12, ghi nhận từ các hãng hàng không, lượng khách đặt vé máy bay dịp Tết Nguyên Đán 2021 đang tăng trở lại. Đại diện Bamboo Airways cho biết có gần 1 triệu vé máy bay Tết được tung ra trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán 2021 từ 27/1 đến 28/2 (tức 15 tháng Chạp đến 17 tháng Giêng).

Đến hiện tại, hãng đã bán ra trên 70% số lượng vé Tết. Những chặng bay đắt khách nhất như là TP HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Vân Đồn, Đà Nẵng…, và chặng Hà Nội đi Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt…
 
Cảnh báo hành khách mua phải vé may bay giả dịp cận Tết
 
Trong khi đó, theo đại diện Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO), từ cuối tháng 11, nhiều đường bay của các hãng trong cao điểm Tết đã đầy từ 50% đến trên 90% số ghế.

Tuy nhiên nhiều chuyến bay có hiện tượng "lệch đầu", tức là đầy chỗ trên chiều bay từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM về Thanh Hóa, Vinh, Huế, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Quảng Nam… vào giai đoạn áp Tết, và ngược lại vào giai đoạn sau Tết.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng của hành khách trong dịp cao điểm Tết, Vietnam Airlines Group vừa thông báo sẽ tăng thêm hơn 414.000 chỗ (tương đương hơn 2.100 chuyến bay).

Tính tổng số ghế toàn mạng nội địa của Vietnam Airlines Group vào dịp Tết Nguyên Đán 2021 đã lên 2,4 triệu chỗ - tương đương gần 12.000 chuyến bay. Những đường bay có nhu cầu lớn giữa Hà Nội và TP HCM đi Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Vinh, giữa TP HCM đi Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt.
 
Dù các hãng hàng không đã tăng số lượng vé ván ra qua các kênh phân phối khác nhau nhưng cận Tết Nguyên đán năm nào cũng xảy ra tình trạng hành khách mua phải vé giả, vé bị nâng giá.

Mới đây, một nữ hành khách có nhu cầu bay Hà Nội - Đà Lạt vào cuối tháng 11 nên đã lên mạng tìm kiếm website đặt vé của Vietnam Airlines. Do không kiểm tra kỹ lưỡng nên khách hàng đã nhấp vào website nhái của Vietnam Airlines rồi đặt mua cặp vé khứ hồi với giá 4 triệu đồng.

So với website chính thức của Vietnam Airlines, tên miền của website này có thêm chữ "s", được chèn vào giữa từ "Airlines" khiến khách hàng khó phân biệt. Website này có giao diện, màu sắc và các thao tác đặt vé tương tự với website chính thức Vietnam Airlines.

"Sau khi chuyển khoản 4 triệu đồng tiền vé, nữ hành khách vẫn nhận được thông tin kèm mã vé máy bay qua email. Sau đó, khi nhận ra điểm bất thường trên website đặt vé, khách hàng kiểm tra lại mã đặt chỗ trên website chính thức của hãng nhưng không thấy. Liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé, vị khách này đều không thể liên lạc được, lúc này mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website lừa đảo" - đại diện Vietnam Airlines kể.
 
Theo các hãng hàng không, do những website này không phải kênh bán hay đối tác chính thức của hãng, hành khách mua vé từ đây sẽ không được bảo đảm quyền lợi, có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Do đó, hành khách nên mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định... Khách hàng cần biết các đại lý uỷ quyền chính thức của hãng đều có chứng nhận, giấy tờ cam kết của hãng.
 
Theo Vietnam Airlines, thời gian qua hãng đã cùng các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp website như trên. Tuy nhiên, hành khách vẫn cần rất chú ý cảnh giác để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
 
 
Hà Ly