Câu chuyện đằng sau tên gọi "Chính hai chín tháng 3" của vị chủ tịch công ty dệt may Hachiba
Nhắc đến Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (Hachiba) là không thể không nhắc tới ông Chính “hai chín tháng ba” - vị "thuyền trưởng" lừng danh chèo lái doanh nghiệp dệt may của mảnh đất Đà Nẵng.
Chủ tịch Huỳnh Văn Chính là ai?
Chủ tịch Huỳnh Văn Chính sinh ngày 6/5/1941 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp trường Trung cấp quản lý với bằng tú tài toàn phần và sự nghiệp của ông cũng gắn với kinh doanh từ đó.
Câu chuyện kinh doanh của ông Chính bắt đầu một cách hết sức ngẫu nhiên khi ông có dịp đặt chân tới thành phố đáng sống Đà Nẵng và gặp đồng chí Hồ Nghinh, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng. Ông chia sẻ rằng thành phố lớn như Đà Nẵng mà từ cái tăm đến chiếc khăn cũng phải nhập khẩu nước ngoài hay phải mua tận Sài Gòn. Từ chính hiện thực đó, rồi sau nhiều ý kiến, lập cả đoàn vào tận TPHCM khảo sát, nhóm 36 cổ đông đầu tiên đã quyết định thành lập Tổ hợp dệt 29/3 (Hachiba).
Chủ tịch Huỳnh Văn Chính của donah nghiệp Dệt may 29/3
Với ông Chính nếu chỉ nhắc ở vai trò là vị chủ nhiệm hay nay là chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp thì sẽ thật thiếu sót bởi dấu ấn của ông còn đi cùng thành phố ở vai trò là một trong những người phát kiến, mở đường cho Đà Nẵng đi lên.
Sự nghiệp của chủ tịch Huỳnh Văn Chính tại Dệt may 29/3
Kể từ khi “Tổ hợp dệt khăn bông’’ mang tên ngày Đà Nẵng giải phóng 29/3 ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, người ta đã thấy bóng dáng ông Chính tất bật với cái nghề duyên nợ này. Đến khi Tổ hợp không còn thích hợp, chuyển lên Xí nghiệp Công tư hợp doanh, Nhà máy, Công ty và nay là Công ty cổ phần Dệt may 29/3 với nhiều giai đoạn hết sức cam go, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, ông Chính vẫn kiên cường lèo lái Công ty đứng vững và phát triển.
Bức ảnh ngày khánh thành tổ hợp Dệt 29/3
Không bằng lòng với cơ sở sản xuất chưa đến 3000m2 thuở ban đầu, với sự hổ trợ của lãnh đạo và các ban, ngành của thành phố, Nhà máy đã di dời hàng trăm hộ dân, hàng nghìn ngôi mộ và nâng quy mô diện tích nhà máy lên gần 60.000m2 với hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng xây dựng, khang trang, đồng thời đầu tư thiết bị lĩnh vực may và đổi mới một số thiết bị ở lĩnh vực dệt. Lúc này, Nhà máy được đổi tên thành Công ty Dệt May 29-3, trở thành một DN xuất khẩu khăn bông có tiếng ở thị trường một số nước, trong đó có Liên Xô và các nước Đông Âu.
Khi Liên xô tan rã, kéo theo thị trường xuất khẩu khăn bông bị mất, hàng trăm công nhân đã phải rời bỏ nhà máy kiếm kế sinh nhai khác. Lúc này, với động sáng tạo của Ban Giám đốc, sự đồng thuận cao của công nhân, Công ty đã vượt qua được thời điểm vô cùng khó khăn này để vươn lên.
Với vai trò là Giám đốc doanh nghiệp từ 1976 - 2006 và đến nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Chính đã đồng lòng cùng tập thể nhân viên quyết tâm đưa Công ty cổ phần Dệt may 29/3 trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng đầu của ngành công thương Việt Nam. Mục tiêu then chốt của toàn doanh nghiệp alf doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.
Chủ tịch HĐNN Trường Chinh (thứ 2 từ phải qua) và Giám đốc Huỳnh Văn Chính (bìa phải) trong chuyến thăm xưởng dệt khăn Nhà máy Dệt 29-3.
Chỉ tính trong 10 năm sau khi cổ phần hóa, doanh thu của Tổng công ty Dệt may 29/3 tăng từ 15-20%, thu nhập người lao động tăng bình quân 15%, nộp ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch; cổ tức từ 12% tăng lên 30%. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công ty cũng chú trọng đến việc xây dựng phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể vững mạnh. Đảng bộ Công ty vinh dự được nhận cờ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh 5 năm liền (2011 - 2015); các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 29/3 vừa qua, công ty tròn “40 tuổi” và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Có thể nói, sự thăng trầm, thịnh, suy của cuộc đời ông Chính và Công ty cổ phần Dệt may 29/3 có mối tương quan mật thiết với nhau. Bởi lẽ, ông là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển xuyên suốt của Công ty cổ phần Dệt may 29/3. Sẽ thật thiếu sót khi nhắc đến sự tăng trưởng của kinh tế Đà Nẵng lại không nói tới vai trò của ngành may mặc, trong đó, có Công ty cổ phần Dệt may 29/3.
Xưởng may hiện tại của Dệt may 29/3
Về kết quả sản xuất kinh doanh của Dệt may 29/3 năm 2019, tổng doanh thu và lãi trước thuế đạt gần 1,025 tỷ đồng và 34 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được 98% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 100.6% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
Những đóng góp của chủ tịch Huỳnh Văn Chính với Đà Nẵng
Cái tên Đà Nẵng - Thành phố đáng sống, đáng tự hào hôm nay là tổng hòa của sự nỗ lực nhiều con người, nhiều ngành nghề, nhiều lính vực khác nhau. Nhưng không thể không kể tới vai trò của vị chủ tịch Huỳnh Văn Chính. Không chỉ có biệt danh ông Chính “hai chín tháng ba”, ông Chính còn có thêm nhiều tên gọi khác như: ông Chính “cầu lông”, ông Chính “thi sĩ”, ông Chính “từ thiện”,…
Với vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông thành phố và từng lèo lái thành công “con tàu” 29/3 đến với bộ môn cầu lông, ông vẫn giữ khí chất và sự nhiệt tâm, nhiệt tình để đưa ngành cầu lông thành phố phát triển. Chủ một doanh nghiệp tầm cỡ nhưng đã rất nhiều lần ông Chính phải đi xin tài trợ từ các doanh nghiệp để có kinh phí tổ chức giải đấu, không để phong trào cầu lông mai một tại thành phố biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm công ty Dệt may 29/3 ( Nguồn: Báo Đà Nẵng)
Câu chuyện về ngày bàn chuyện xây chiếc cầu Sông Hàn nối hai bờ thành phố, công trình mà cho đến nay đã trở thành biểu tượng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Đà Nẵng luôn là một sự kiện đáng nhớ về những đóng góp của chủ tịch Chính. Ông Huỳnh Văn Chính khi ấy là một vị đại biểu HĐND đã vừa phát biểu vừa lấy con dấu đóng vào tờ phiếu công ty, ủng hộ thành phố 200 triệu đồng. Để đến nay, khi không chỉ một mà nhiều chiếc cầu trên sông Hàn đã thành hình, người dân thành phố mới thấy được sự tâm huyết của vị chủ tịch sinh năm 1941 với thành phố này.
Quy mô của doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại
Với những nỗ lực của mình, ông Chính đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, huân chương từ cấp Trung ương đến địa phương, như: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1991; Chiến sĩ Thi đua toàn quốc năm 2000; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về thành tích xuất sắc tiêu biểu toàn diện, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng năm 2014; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng “Vì đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của phong trào cầu lông thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015” năm 2015.
Thanh Thùy
Xem thêm: Chủ tịch Bùi Đức Thịnh và hành trình gây dựng cơ ngơi May Sông Hồng nghìn tỷ từ con số không