Câu chuyện khởi nghiệp: Kiếm tiền nhờ niềm đam mê hoa hồng
Làm giàu từ hoa hồng cổ
Sinh ra và lớn lên tại thôn Kiều Trung, một làng hoa có tiếng ở thành phố Hải Phòng, trước đây, anh Phạm Viết Toản cũng như nhiều người dân khác chủ yếu trồng đào cảnh và một số loại hoa khác để kiếm sống. Đến năm 2016, nghe lời khuyên từ một người chú cùng thôn nên anh đã tìm hiểu về thị trường cũng như cách trồng, chăm sóc hoa hồng leo giống cổ.
Tuy nhiên, để gia đình đồng ý bỏ đi 2 sào trồng đào cảnh lại không hề dễ dàng, sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng anh được vợ “cấp” cho 25 triệu đồng để khởi nghiệp trồng hoa hồng từ đầu năm 2017.
Giống hồng leo cổ Hải Phòng vốn có sẵn trong thôn, anh Toản đến những người trồng hồng lâu năm mua giống, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Sau 6 tháng, từ những cây hồng mong manh chỉ cao hơn 20 cm, anh đã gây dựng thành công vườn hồng hơn 1.000 cây.
Anh Toàn không giống những người khác trồng hoa hồng lớn rồi bán mà trồng thật nhiều cây bố mẹ, sau đó chiết cành để bán cây giống với giá rẻ, mỗi tháng có thể bán được vài nghìn gốc.
Để tiếp cận với thị trường, các trang mạng xã hội như Facebook và Zalo được anh Toản sử dụng rất hiệu quả. “Mình lập ra một trang dành cho những người yêu thích giống hồng leo cổ Hải Phòng, đến nay đã có vài nghìn thành viên và đang tăng thêm. Nhờ mạng xã hội, thị trường của mình mở rộng ra khắp mọi miền đất nước”, anh Toản cho biết.
Hằng ngày, anh Toản vừa chăm sóc vườn hồng vừa chụp ảnh, quay video đăng lên mạng xã hội để quảng cáo. “Mình đã lắp thêm hệ thống camera theo dõi trực tuyến. Ngoài chức năng giám sát an ninh và tình trạng của vườn, camera còn giúp mình trong việc tiếp thị. Cụ thể là khi đi gặp đối tác, mình sẽ mở điện thoại cho khách hàng tham quan vườn hồng qua camera trực tiếp. Nhờ công nghệ này mà mình đã ký được một số hợp đồng lớn”, anh Toản tự hào kể.
Ngoài mặt hàng chính là cành chiết, anh Toản còn đang ươm một loạt cây hồng leo thân to, tạo dáng thẳng. Anh Toản cho biết: “Số hồng này không để khai thác cành chiết mà dành bán thẳng cho các biệt thự, nhà vườn với giá khoảng 3 triệu/cây”.
Sau hơn một năm trồng hồng cổ, anh Toản đã có doanh thu khoảng 60 triệu đồng/tháng và có lẽ sẽ trở thành tỉ phú một ngày không xa. “Doanh thu của vườn hồng nhất định sẽ tăng cao hơn vì tôi vừa ký được thêm một số hợp đồng mới”, anh Toản vui mừng thông báo và cho biết khi đã ổn định xong vườn hồng bằng giống cổ Hải Phòng, anh sẽ trồng thêm các giống hồng cổ Sa Pa, Đà Lạt và mở rộng diện tích, số lượng cây.
Anh bảo vệ thành triệu phú nhờ trồng hoa hồng
Làm bảo vệ trường mầm non với mức lương vỏn vẹn 1,5 triệu đồng/tháng, anh Hoàng Văn Đoàn quyết định bỏ việc về trồng hoa hồng vì niềm đam mê. Giờ mỗi tháng anh bán trung bình 1.000 gốc hồng, doanh thu đạt vài trăm triệu đồng/tháng.
Anh Đoàn sinh năm 1992, tốt nghiệp lớp 12 anh học lái xe và làm tài xế taxi chứ không thi đại học như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Lái xe được 2 năm, anh chuyển sang làm bảo vệ trường mầm non ở quê với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm. Lương thấp, làm không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên anh quyết định xin nghỉ việc về nhà bán gốc chè cổ.
Trong quá trình bán gốc chè cổ, anh bỏ tiền ra mua 15 gốc hoa hồng trồng chơi trong vườn nhà vì nghĩ đất vườn rộng, trồng vài gốc hồng cho vườn tược đẹp hơn.
“Thế nhưng, chẳng ai ngờ tôi lại có duyên với cây hoa hồng đến vậy”. Anh nói và cho biết, trồng hơn chục gốc hồng trong vườn, ngày nào anh cũng chăm chút rồi mê mải ngắm những bông hoa đủ sắc màu, khiến anh đam mê loài hoa này lúc nào không hay. Kể từ đó, anh bắt đầu tự nhân giống bằng cách giâm cành từ những cây hoa hồng anh mua.
Lúc đó, vì đam mê hoa hồng nên thời gian rảnh anh lên mạng tìm hiểu cách trồng, cách chăm sóc cắt tỉa, kỹ thuật giâm cành, chiết cành. Anh Đoàn chia sẻ, lúc đó anh nhân giống mục đích là trồng trong vườn nhà chứ cũng chưa nghĩ đến chuyện buôn bán gì. Những cành hồng anh giâm cũng chết nhiều chứ không phải là thành công hết.
Sau khi mua hơn chục gốc hồng về trồng chơi trong vườn nhà, anh Đoàn đã gây dựng được vườn hồng rộng cả 1.000 m2 với khoảng 80 giống hoa các loại. Tuy nhiên, giâm cành càng nhiều anh càng đúc rút ra những bài học cho riêng mình. Tỉ lệ giâm cành thành công ngày càng cao. “Đầu năm 2015, vui vì thành quả mình có được sau khi chăm sóc và giâm được rất nhiều gốc hồng, tôi đăng lên Facebook bán thử. Kết quả, có người hỏi mua ngay”.
Bán được những cây hồng đầu tiên, anh nảy ra ý định nhân giống và bán cây giống bởi, đam mê anh có thừa, kỹ thuật chiết cành hay giâm cành anh cũng thành thạo. Chưa kể, cây chè anh đang bán khá kén khách, không phải ai, nhà nào cũng mua về trồng, trong khi hoa hồng thì nhiều người chơi hơn, khách mua về trồng trong vườn nhà, trồng trên sân thượng, ngoài ban công,...
Vừa gầy dựng vườn hoa hồng anh vừa bán. Lượng bán ra ban đầu chưa nhiều, chỉ khoảng 20 cây/ngày bởi chưa quen khách. Sang năm 2016, khu vườn rộng 1.000 m2 được anh trồng kín hoa hồng, cả giống hồng nội và ngoại cũng lên tới con số 80. Ngoài bán lẻ, anh còn nhận bán buôn cho các khách hàng trên khắp cả nước. Nhờ vậy, mỗi tháng doanh thu từ vườn hồng của gia đình anh lên tới vài trăm triệu đồng.
Thành công nhờ nghề trồng hoa hồng Bắc
Xuất phát từ làng nghề trồng hoa hồng ở Hà Nội, anh Đặng Quang Quyết (29 tuổi, TP. Pleiku, Gia Lai) đã nuôi chí lớn đưa cây hồng về mảnh đất Cao nguyên. Sau hơn 10 năm “thử lửa”, giờ đây anh Quyết đã có vườn hồng rộng hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tâm sự về hành trình lập nghiệp, anh Quyết chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2009 gia đình từ Hà Nội vào Gia Lai lập nghiệp. Vốn có nghề từ làng nghề trồng hồng ở Mê Linh (Hà Nội), nên khi vào Gia Lai, Quyết đã nuôi chí sẽ tiếp tục nghề này ở vùng đất đỏ bazan.
Nghĩ là làm, Quyết vay mượn bạn bè, người thân được 300 triệu đồng rồi mua 1ha đất trống để ươm giống hồng. Dốc hết vốn, chàng trai trẻ 18 tuổi thời ấy đã về Hà Nội mua 34.000 gốc hoa hồng rồi đem vào Gia Lai trồng thử nghiệm.
Thời gian đầu trồng hoa, Quyết gặp không ít khó khăn bởi cây hồng chưa quen với thổ nhưỡng, khí hậu. Lúc này, Quyết “khăn gói” đến một số trại hoa khác để học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc hoa hồng trên đất đỏ bazan.
Gia Lai vào mùa khô thường thiếu nước nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoa. Để khắc phục, Quyết đã lắp đặt thêm hệ thống béc, tưới phun mưa. Chi phí cho giàn béc tưới cùng hệ thống cung cấp nước cho hoa, Quyết đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng.
Sau nhiều năm nghiên cứu, mày mò, giờ đây trong tay chàng trai trẻ đã có hơn 1ha với đủ các loại hồng. Đặc biệt, do khởi nghiệp sớm nên vườn hồng của anh đều có tuổi thọ hơn 10 năm và ngày ngày đều có hoa xuất ra thị trường.
Hiện nay, bạn hàng của Quyết ở khắp các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung, Tây nguyên. Mỗi năm gia đình Quyết thu về gần 1 tỉ đồng, trừ chi phí đầu tư, anh Quyết lãi hơn 500 triệu đồng.
Lên Tây Bắc trồng hoa hồng
Đang sống ở mảnh đất thủ đô sôi động, anh Trần Văn Thành, sinh năm 1994 ở huyện Mê Linh, TP. Hà Nội đã quyết định lên phố núi Sơn La làm giàu từ cây hoa hồng.
Quê anh vốn có truyền thống trồng hoa từ lâu và toàn bộ diện tích đất nhà anh đều dành trồng các loại hoa hồng, cúc, ly, lan... Vào mùa hè thời tiết nóng nực cây hoa thường còi cọc, nhiều sâu bệnh nên gia đình anh rất vất vả chăm bón.
Công việc ở quê không thuận lợi nên anh Thành đã cùng một số người bạn lên TP. Sơn La làm ăn. Khi lên vùng đất phố núi này, anh không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ở đây người dân trồng hoa quanh năm, vào mùa hè cây hoa vẫn xanh tốt, cứng cáp. Anh tìm hiểu thì được biết nhờ có khí hậu mát mẻ, trong lành nên các loại hoa ở đây phát triển rất tốt, đặc biệt là hoa cúc và hoa hồng.
Có sẵn kinh nghiệm trồng hoa khi ở cùng bố mẹ, anh Thành đã nghĩ đến việc tự gây dựng vườn hoa cho riêng mình. Năm 2015, sau khi lập gia đình, anh bàn với vợ vay vốn, thuê đất trồng, quyết tâm làm giàu từ cây hoa hồng.
Anh thuê 1,3 ha đất ruộng của bà con ở bản Tông (xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La) rồi làm cỏ, xới đất, bổ luống, bón phân dưỡng đất. Đất làm đến đâu anh lại trồng hoa đến đấy. “Các loại cây hồng giống tôi đều mua ở quê và chuyển lên đây trồng. Phải mất khoảng 7 tháng thì những cây hồng này mới cho hoa đạt chất lượng.” anh Thành chia sẻ thêm.
Với 7 vạn gốc hồng trưởng thành, hiện tại cứ khoảng 3-4 ngày vườn hồng nhà anh lại cho thu hoạch hơn 4.000 cành hoa, vào mùa hè số hoa cắt bán còn nhiều hơn. Số hoa này chủ yếu được bán sỉ cho các cửa hàng hoa ở Sơn La và gửi về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với giá từ 1.000-2.000 đồng một cành, trừ hết chi phí anh Thành cũng bỏ túi đều đều khoảng 1.000.000 đồng/ngày.