Cha đẻ ứng dụng Kakao - Tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc đi lên từ tuổi thơ nghèo khó

Lê Thị Xuân Phương 16:15 | 25/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Con tàu an toàn nhất khi nằm trong bến cảng, nhưng đó không phải mục đích nó được ra đời", Kim Beom-su nói. Đây là triết lý dẫn đường cho tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc trong mọi quyết định kinh doanh. 

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2022. Đáng chú ý, tỷ phú Kim Beom-su, "cha đẻ" của Kakao - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc, lần đầu tiên dẫn đầu danh sách này. 

Tỷ phú Kim Beom-su, nhà sáng lập ứng dụng Kakao, hiện là người giàu nhất xứ sở kim chi theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes. Giá trị tài sản ròng của ông Kim Beom-su ước tính đến thời điểm hiện tại đạt 9,6 USD, giảm 9% kể từ lần cuối cùng khối tài sản được ước tính.

Tỷ phú Hàn Quốc Kim Beom-su (Ảnh: Yonhapnews)

Ứng dụng Kakao do tỷ phú họ Kim khai sinh hiện được cài đặt trong 90% smartphone tại Hàn Quốc. Ứng dụng có 53 triệu người dùng trên toàn cầu, 88 % trong số đó nằm tại thị trường Hàn Quốc. Mặc dù non trẻ hơn nhiều tập đoàn công nghệ xứ kim chi, Kakao hiện sánh vai cùng chaebols với tư cách là công ty niêm yết có vốn hóa thị trường lớn thứ sáu ở Hàn Quốc (34 tỷ USD).

Trong năm 2021, Kakao ghi nhận lợi nhuận ròng tăng gần 850% lên 1,6 nghìn tỷ won (1,3 tỷ USD) so với năm 2021, chủ yếu do doanh số bán hàng tăng 48% lên 6,1 nghìn tỷ won. Đây chính là yếu tố giúp khối tài sản của tỷ phú Kim Beom-su tăng vọt.

Tuổi thơ nghèo khó

Tuổi thơ của ông Kim Beom-su là những tháng ngày chật vật, nghèo khó trong một căn hộ nhỏ một phòng ngủ, cha mẹ ông đều kiếm sống bằng nghề lao động chân tay.

Ông Kim là người duy nhất số 5 người con trong gia đình thi đỗ một trường đại học. Năm 1986, ông theo học chuyên ngành kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Quốc gia Seoul, ngôi trường được mệnh danh là Harvard của Hàn Quốc. 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai trẻ khi ấy phải tự xoay xở để đủ tiền đóng học phí. Ở những hồi ức sau này, ông Kim Beom-su từng nhắc đến những ngày tháng sống bằng nghề gia sư, đôi khi phải nhịn đói vì không một xu dính túi. Tại trường đại học, Kim Beom-su lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc máy tính của người bạn và cảm thấy nó có sức hút kỳ lạ. Đó cũng là lần đầu tiên ông biết đến Internet, khởi nguồn cho giấc mơ công nghệ sau này.

Theo đuổi giấc mơ công nghệ

Tốt nghiệp đại học, Kim Beom-su đầu quân cho Samsung, mảng phát triển dịch vụ truyền thông trực tuyến. Sau 5 năm cống hiến ở Samsung, ông rời công ty để mở một tiệm cà phê Internet và phát triển trò chơi trên mạng xã hội mang tên Hangame. Hangame sau đó được sáp nhập với Naver trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất Hàn Quốc (NHN).

“Những ngày đầu, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm với tư cách vừa là quản lý, vừa là lập trình viên. Có những hôm, tôi đến phòng tắm lúc sáng sớm và bật khóc. Tôi rất tự tin về dự án của mình, nhưng tôi cũng sợ rằng mình không thể trả được lương cho nhân viên”, tỷ phú Kim nhớ lại những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp.

Năm 2005, sau những thành công ban đầu, Kim Beom-su chuyển đến thung lũng Silicon, California, Mỹ để tìm kiếm cơ hội và thực hiện giấc mơ công nghệ của mình. Đây cũng chính là thay đổi có tính bước ngoặt để Kim, khi đó 30 tuổi, bắt đầu suy nghĩ về con đường mà ông mong muốn theo đuổi phía trước. Tại đây, ông đối diện vô vàn khó khăn trong thế giới công nghệ, hơn cả những gì ông dự tính.

Nhưng thung lũng Silicon không thể giữ chân Kim Beom-su được lâu. Chỉ 2 năm sau đó, năm 2007, Apple cho ra đời dòng iPhone đầu tiên. Trước sức hút từ chiếc điện thoại thông minh, Kim đã cùng cộng sự trở lại quê hương, thành lập startup Iwilab phát triển ứng dụng cho nền tảng Apple, sau này là Kakao. Ông viết trong một lá thư từ chức vào năm 2007: “Con tàu an toàn nhất khi đậu trong bến cảng, nhưng đó không phải mục đích ra đời của nó”. 

Năm 2009, iPhone chính thức ra mắt tại Hàn Quốc. Năm 2010, Kim Beom-su cùng Iwilab chính thức cho ra đời KakaoTalk. Đây là dấu mốc ấn tượng nhất trong con đường sự nghiệp của vị tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc.

Năm 2010, Kim Beom-su cùng Iwilab chính thức cho ra đời KakaoTalk

KakaoTalk nhanh chóng chiếm lĩnh "ngôi vua" trong các ứng dụng tin nhắn tại Hàn Quốc, rồi liên tục mở rộng quy mô với các thương vụ thâu tóm, sáp nhập.

Hiện Kakao là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình mở rộng hoạt động của Kakao do nhu cầu online của người dân tăng vọt trong thời điểm dịch bệnh. Tận dụng cơ hội, Kakao còn lấn sân sang mảng quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ, game và dịch vụ tài chính. Kakao hiện cũng kinh doanh mảng truyện tranh mạng (webtoon) - hình thức giải trí được ưa chuộng tại Hàn Quốc.

Tuy vậy, hồi tháng 3 vừa qua, người đàn ông 56 tuổi này đã tuyên bố từ chức Chủ tịch HĐQT công ty Kakao sau những tranh cãi ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Khi còn trong ban quản trị tại Kakao, tỷ phú Kim Beom-su thường yêu cầu nhân viên gọi ông bằng tên tiếng Anh là Brian để phá bỏ văn hóa thứ bậc tồn tại lâu đời tại Hàn Quốc. Với xuất phát điểm nghèo khó, ông Kim cũng có sự đồng cảm hiếm thấy dành cho những cuộc đời bất hạnh, kém may mắn.

Hồi tháng 2, vị tỷ phú Kakao cam kết quyên góp hơn một nửa tài sản của mình để làm từ thiện. Sau đó, ông tham gia Giving Pledge, một quỹ từ thiện toàn cầu do tỷ phú Bill Gates và vợ cũ là bà Melinda Gates sáng lập. Trong bài phát biểu tại buổi lễ cam kết, ông Kim cho hay: "Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, cho đến tuổi 30, tôi mặc định rằng 'trở nên giàu có' là thước đo duy nhất của một cuộc đời thành công. Tuy nhiên, sau khi đạt được sự giàu có mà bản thân luôn mong muốn, tôi mới nhận ra ý nghĩa của mỗi cuộc đời được đo bằng sự đóng góp vào xã hội và cộng đồng".

Danh sách 10 tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc do Forbes tổng hợp, tỷ phú Kim Beom-su dẫn đầu (Ảnh: Forbes)
 

Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 diễn biến ;phức tạp khiến nền kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức, tổng tài sản của 50 người giàu nhất Hàn Quốc giảm xuống chỉ còn 130 tỷ USD, thấp hơn mốc 156 tỷ USD của năm ngoái. Trong danh sách, không ai có tài sản vượt 10 tỷ USD.