Chân dung chủ tịch trẻ nhất giới ngân hàng Việt: Hành trình "kế nghiệp" và xây dựng đế chế ACB
Người đứng đầu ACB là chủ tịch ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam "kế nghiệp" vị trí này từ cha của mình nhưng vẫn sở hữu khả năng kinh doanh đáng nể.
Chủ tịch ACB là ai?
Chủ tịch Trần Hùng Huy sinh năm 1978 trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng, là con ông Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ngân hàng ACB trong giai đoạn 1994 - 2008, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà băng này.
Chân dung chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy
Cũng bởi vậy mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vị chủ tịch 7x đã được định hướng theo học 3 chuyên ngành lớn liên quan tới kinh tế bao gồm: quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế từ những năm 2000. Con đường trau dồi kiến thức chưa dừng lại khi ông tiếp tục tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh- Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ (2011).
Ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp, ông Hùng Huy đã tham gia nội bộ lãnh đạo của ACB khi giữ chức chuyên viên nghiên cứu thị trường tài chính tại ACB từ năm 2002 và tới năm 2004 ông giữ chức vụ Giám đốc Marketing ngân hàng ACB. Lý do đằng sau việc ông Huy dù đã làm việc tại ACB trong vài năm nhưng vẫn "nặng lòng" với việc học là bởi ông cho rằng "lúc đó mình vẫn là nhân viên cấp thấp, chưa có áp lực nhiều nên thích học thêm".
Ông Trần Hùng Huy là vị chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất tại Việt Nam
Vào năm 2008, sự nghiệp của chủ tịch Trần Hùng Huy đã chứng kiến một bước ngoặt lớn khi ông chính thức kế nghiệp cha mình ở độ tuổi còn rất trẻ, 34 tuổi. Doanh nhân Trần Mộng Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị. Năm 2012 sau "biến cố" bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy bất ngờ đảm nhiệm vị trí ghế nóng Chủ tịch ACB khi mới chỉ 34 tuổi. Đến tháng 4/2013 ông chính thức được bầu làm chủ tịch ngân hàng này.
Hành trình ngồi "ghế nóng" tại ACB của chủ tịch 7x
Hành trình tiếp quản sự nghiệp mà cha gây dựng của chủ tịch Trần Hùng Huy không êm đềm "cha truyền con nối" như nhiều người từng nghĩ. Giai đoạn ông Hùng Huy tiếp quản cương vị cao nhất cũng là lúc ACB đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.
Khi ông Huy lên làm Chủ tich HĐQT ACB, rất nhiều người nghĩ đó là một lựa chọn tạm thời khi ngân hàng này đang khủng hoảng và không ai muốn ngồi vào "ghế nóng". Bên cạnh đó, ACB là một công ty niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông. Việc trở thành người đứng đầu HĐQT của ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam (lúc đó), với hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính (cả trong nước và nước ngoài) thì không thể chỉ là con của người sáng lập. Vị chủ tịch 7x cũng cần chứng minh rằng bản thân là một người có tài năng và thực lực hơn cả.
Ông Trần Hùng Huy lên vị trí cao nhất tại ngân hàng ACB trong giai đoạn khó khăn chồng chất
Với sự trợ giúp của người cha là doanh nhân kì cựu cùng kinh nghiệm cá nhân đươc trau dồi sau nhiều năm học tập tại môi trường quốc tế, chủ tịch Hùng Huy đã đưa ACB từng bước thoát khỏi khủng hoảng chỉ sau 6 tháng ngồi vào vị trí lãnh đạo.
Tính từ thời điểm khó khăn tới lần đại hội cổ đồng kế tiếp của năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi "ghế nóng". Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn vị chủ tịch tuổi ngựa (sinh năm 1978) "ngồi yên chiến mã".
Gia đoạn gồng mình gánh nợ xấu từ 2013 - 2016, ACB vẫn chứng kiến những mức tăng trưởng nhẹ, từng bước gặt hái được thành quả sau "đại nạn". Năm 2017 – 2018 là thời điểm "vàng" khi ngân hàng ACB liên tiếp có những kết quả kinh doanh nhảy vọt. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2017. Trong năm 2017, mức doanh thu của ngân hàng cũng tăng gấp 1,6 lần so với năm trước đó. Bên cạnh đó, ACB còn có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam với 0,69% vào cuối năm 2018.
Theo báo cáo tài chính quý II năm 2018, lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất từ hoạt động khác với hơn 700 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tăng gấp 73% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thu nhập từ lãi thuần và hoạt động dịch vụ của ACB đều tăng, mang về lần lượt 4.862 tỷ đồng và 747 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Kết quả kinh doanh của ACB từ năm 2012 - 2018
Tổng số tài sản thời điểm cuối quý II năm 2018 đạt xấp xỉ 310.000 tỷ đồng tăng 9% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ACB cuối quý II năm 2018 đạt 4.836 tỷ đồng, tương đương 43% vốn điều lệ ngân hàng.
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 383.000 tỉ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm, trong đó trái phiếu chính phủ chiếm 15%. Dư nợ tín đụng đạt khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 16,8%; số dư huy động đạt 308.000 tỉ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm.
ACB là ngân hàng có định hướng tập trung mảng ngân hàng bán lẻ ngay từ những ngày đầu hoạt động. Hiện nay, 91% dư nợ cho vay của ngân hàng là ở mảng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); tỉ lệ huy động từ khách hàng cá nhân là 80%.
Vị chủ tịch "ngàn like" và hành trình lan tỏa lối sống xanh
Gia đình Chủ tịch Trần Hùng Huy được cho là một trong những gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán. Tại ACB, ông Trần Hùng Huy sở hữu 56,97 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,43%, tương đương 1.458 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Đặng Thu Thủy, mẹ ông Huy là thành viên HĐQT của ACB và đang nắm giữ 19,85 triệu cổ phiếu (1,19%), tương đương 508 tỷ đồng.
Chủ tịch Trần Hùng Huy chụp ảnh cùng thủ tướng Canada Justin Trudeau
Không chỉ nổi tiếng về ngoại hình điển trai và tài năng kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB không ngần ngại chia sẻ công khai về đời tư lên trang Facebook cá nhân. Những hình ảnh vị chủ tịch thường xuyên rèn luyện thể thao, yêu và bảo vệ thiên nhiên,... nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Chủ tịch 7x từng chia sẻ với báo giới rằng mình thích lướt sóng, chơi snowboarding,... Ngoài ra còn một số tài lẻ như: chơi đàn piano, hát, biểu diễn văn nghệ, nấu ăn, làm KOLs, làm diễn viên...ông cũng được đánh giá rất cao.
Chủ tịch Hùng Huy phô diễn tài lẻ trong một bữa tiệc của ACB
Những hình ảnh chuẩn “chủ tịch nhà người ta” này thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hình ảnh của vị "tổng tài" "sinh ra đã ở vạch đích" này cũng trở nên gần gũi trong mắt công chúng.
Trong số các vị chủ tịch ngân hàng tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy là người duy nhất công khai xuất hiện trên mạng xã hội và lan tỏa những hình ảnh tích cực, những thông điệp ý nghĩa. Trước khi nhận được sự quan tâm lớn của "gia đình ACB" (cách ông Huy gọi ngân hàng mà mình lãnh đạo) và cộng đồng, chủ trương bảo vệ môi trường với việc không sử dụng chai nhựa của ông Huy không được nhiều người ủng hộ.
Một bài đăng tuyên truyền bảo vệ môi trường của chủ tịch ACB
Năm 2015, khi ông Huy ra quyết định không dùng chai nhựa sử dụng một lần trong toàn bộ ngân hàng. Bước tiến và hành động ủng hố sống xanh mạnh mẽ này của ông đã vấp phải rất nhiều người phản đối, kể cả lãnh đạo cấp cao. Bởi lẽ lúc ấy nhận thức về môi trường tại nước ta vẫn chưa được phổ cập rộng rãi.
Chưa hết, khi thực hiện một cuộc khảo sát tại ACB, chỉ có 6% người được hỏi quan tâm đến biện pháp bảo vệ môi trường do Chủ tịch HĐQT phát động. Thế nhưng, ông Huy rất kiên trì. Vị lãnh đạo này liên tục tổ chức tuyên truyền thông tin trong nội bộ về tác dụng của việc không dùng chai nhựa một lần…Ba tháng sau, tỷ lệ quan tâm khi khảo sát lại lên tới 70%.
Chủ tịch Hùng Huy chụp ảnh cùng dàn nhân viên tại ngân hàng ACB
Trải qua hơn 3 năm sau khi chủ tịch phát động, ý thức về bảo vệ môi trường đã ngấm vào những nhân viên tại ngân hàng ACB. Nhiều chi nhánh ACB đã bắt đầu tự giác sống xanh bởi họ thấy đó là một hành động giúp mọi người gần với nhau hơn, họ đưa cả gia đình, gồm cả con nhỏ cùng tham gia dọn rác với anh chị em trong chi nhánh. Bây giờ, họ làm như vậy vì bản thân và gia đình mình chứ không phải vì ACB hay cộng đồng.
Thanh Thùy (T/h)
Xem thêm: Chủ tịch TPBank: Lãnh đạo hàng loạt tập đoàn danh giá, xứng danh hậu bối của gia tộc lừng lẫy