Chân dung ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch ngân hàng OCB người lọt top giàu sàn chứng khoán

16:42 | 16/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong những ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội đang xôn xao về thông tin lộ diện khối tài sản 3.300 tỷ của những "ái nữ" nhà ông Trịnh Văn Tuấn. Bản thân ông cũng nằm trong top những người giàu nhất sàn CKVN.

Ông Trịnh Văn Tuấn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), và ông cũng đang sở hữu tài sản 48,59 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,43%. 

Theo thông tin được tiết lộ trên mặt báo trong những ngày vừa qua, gia đình ông Tuấn cũng nắm lượng cổ phần lớn tại ngân hàng. Bà Cao Thị Quế Anh- vợ ông Tuấn sở hữu 35,2 triệu cổ phiếu tương ứng với lượng 3,21% vốn cổ phần ngân hàng. 

Đáng chú ý, ba người con gái của người đứng đầu OCB là bà Trịnh Thị Mai Anh, Trịnh Mai Phương – Paula và Trịnh Mai Linh lần lượt nắm giữ 32,2 triệu; 41 triệu; 46,8 triệu cổ phiếu tương đương với 2,94%; 3,75% và 4,27% tại tổ chức tín dụng này. 

Nếu tính theo giá trị cổ phiếu OCB khi kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7 thì đang ở mức 26.200 đồng/cổ phiếu. Qua đó, có thể tạm suy ra khối tài sản của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn có giá trị hơn 5.240 tỷ đồng.

Tài sản của vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông đang ở mức 1.273 tỷ đồng, còn số cổ phiếu bà Quế Anh vợ ông đang sở hữu có giá trị 922 tỷ đồng.

Chân dung ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch ngân hàng OCB người lọt top giàu sàn chứng khoán - ảnh 1

Được biết, ông Trịnh Văn Tuấn thuộc nhóm du học sinh Việt Nam nổi tiếng tại Đông Âu, cùng với ông Đặng Khắc Vỹ thì hai người được biết đã lập nên Ngân hàng Quốc tế VIB. 

Ông Tuấn trực tiếp vị đại gia gốc Hòa Bình gắn bó với VIB từ ngày đầu, có chân trong HĐQT 5 khóa đầu tiên và đảm nhận chức Chủ tịch trong 6 năm liên tục (từ 2002 - 2008). Đến ĐHĐCĐ lần thứ 12 năm 2008 của ngân hàng, ông Tuấn tiếp tục được tín nhiệm bầu tham gia HĐQT khóa V (2008-2013), tuy nhiên không còn giữ vị trí chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ đã được bổ nhiệm thay thế. 

Không đợi hết nhiệm kỳ, ông rời khỏi Hội đồng quản trị của VIB và đặt chân đến ngân hàng hiện tại OCB. 

Ông lần lượt trải qua các chức Phó Chủ tịch ngân hàng vào năm 2011, sau đó đến tháng 5/2012 ông Tuấn trở thành Chủ tịch HĐQT, cương vị cao nhất tại Ngân hàng Phương Đông cho đến thời điểm hiện tại. 

OCB dưới thời ông Trịnh Văn Tuấn tuy chưa phải nhà băng cỡ "khủng" nhưng được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất trong những năm gần đây. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái của ngân hàng đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận bình quân ROAA và ROEA đạt 2,61% và 24,42%. Ngân hàng theo đó nằm trong top 10 các NHTM cổ phần về lợi nhuận và nằm trong top 4 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam được chứng bởi tạp chí Forbes. 

Trước đó, cuối năm 2018, OCB từng gây bất ngờ khi được ngân hàng Nhà nước công nhận là một trong ba ngân hàng đầu tiên hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Tuân theo định hướng phát triển đặt nặng về an toàn, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng Phương Đông đạt 11,2%, cao thứ hai trong danh sách. Tỉ lệ nợ xấu đạt 1,46%, tương đương với mức bình quân chung.

Ngân hàng đã được xếp hạng tín dụng ở mức Ba3, thuộc hàng tốt nhất trong các nhà băng tại Việt Nam hiện nay. Các tiêu chí được Moody's - một trong những tổ chức uy tín nhất thế giới đánh giá về OCB. 

Về tỷ lệ cổ phần, hiện tại OCB chỉ có một cổ đông lớn đến từ Nhật Bản, đầu tư vào tổ chức tín dụng này từ năm 2020 và đang nắm giữ 15% vốn điều lệ. Gần đây, ngân hàng đã nâng mức khóa room ngoại lên thành 22%, được cho là điều kiện cần để OCB tiếp tục bán vốn cho cổ đông nước ngoài, tiếp tục tái cơ cấu như kế hoạch đã được đặt ra. 

Trong Đại hội đồng cổ đông vừa qua, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.500 tỉ đồng, cao hơn 25% so với kết quả năm trước. Ông Trịnh Văn Tuấn cam kết trước HĐQT và cổ đồng rằng ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao như nhiều năm vừa qua và tiếp tục giữ phong độ trong nhóm đầu về hiệu suất sinh lời.

Hiện OCB vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện và phát triển hơn nữa, bởi trong một lần trả lời phỏng vấn trước báo giới, vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng thừa nhận: "Quy mô của OCB còn khá khiêm tốn, đây là sự trăn trở rất lớn của hội đồng quản trị".

H.S

Xem thêm: IFC hỗ trợ OCB 100 triệu USD mở rộng tín dụng xanh tại Việt Nam