Chất lượng khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thấp

13:59 | 23/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong số 1000 Startup đăng ký tham dự chỉ có 42 Startup lọt vào vòng thương thuyết với các nhà đầu tư và được lên sóng truyền hình. Do đó, theo chuyên gia, có thể nói chất lượng của các bạn Startup chưa cao mặc dù số lượng rất nhiều.

Sau hai mùa phát sóng đầu tiên, Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ đã có nhiều thành tích ấn tượng. Trong số 1.000 Startup đăng ký tham dự chỉ có 42 Startup lọt vào vòng thương thuyết với các nhà đầu tư và được lên sóng truyền hình. Nhưng có tới 27 Startup nhận được đề nghị đầu tư của Cá Mập với tổng số tiền lên tới 206 tỷ 541 triệu đồng, gấp hai lần con số của mùa 1, là 116 tỷ 651 triệu đồng.

Đặc biệt, với thương vụ 1 triệu USD đầu tư vào Power Centric  với sản phẩm pin tích điện từ năng lượng mặt trời MOPO, Shark Phạm Thanh Hưng (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group) được ghi nhận là Shark có “deal – size” lớn nhất mùa 2 vừa qua.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những nổi bật của hai mùa Shark Tank Việt Nam vừa qua? Trong mùa giải thứ 3 này ông có mong muốn như thế nào? Từ  đó, ông đánh giá như thế nào về khởi nghiệp trong thời điểm này?

Shark Phạm Thanh Hưng: Có thể nói Shark Tank mùa đầu tiên là ra mắt còn mùa thứ hai giống như để khán giả làm quen, còn mùa thứ ba chắc sẽ có sự bùng nổ. Thực ra trong mùa đầu tiên khán giả Việt chưa quen lắm với chương trình dù nó đã được triển khai ở 40 nước trên toàn cầu và trải qua hơn 10 mùa phát sóng. Tuy nhiên, khi chương trình đưa vào Việt Nam có thể nói rằng đó là món ăn rất mới. Đặc biệt, tôi rất bất ngờ bởi sự đón nhận của các bạn trẻ và các khán giản ở Việt Nam khi chương trình Shark Tank khởi động. Trải qua 2 mùa, chương trình đã được đón nhận và mong chờ rất cao.

Ở mùa 3 năm nay, tôi rất mong muốn chất lượng các bạn tham gia Startup chương trình được cải thiện hơn. Đồng thời, có thêm các nhà đầu tư tham gia, có thể không cần tham gia vào chương trình, nhưng bằng cách nào đó mà các quỹ hay các nhà đầu tư có thể tham gia cùng chúng tôi. Nếu như có sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư và các bạn Startup có chất lượng thì sự kết nối sẽ tăng lên và nhiều người tham gia vào cuộc chơi này.

Tuy nhiên, theo thống kê của chương  trình, có tới hàng ngàn hồ sơ gửi tham gia, nhưng chỉ có vài chục Startup được lựa chọn vào vòng ghi hình. Trong số đó, tỉ lệ được đâu tư trên truyền hình chỉ chiếm khoảng tầm 40%. Như vậy có thể đánh giá chất lượng của các bạn Startup chưa cao mặc dù số lượng rất nhiều. Đây mới chỉ là số liệu được đưa ra từ các bạn tham gia chương trình. Do đó, trên toàn quốc các bạn Startup cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về đầu tư vào những ý tưởng và quản trị doanh nghiệp thì mới có khả năng thành công được.

Chất lượng khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thấp - ảnh 1
 Shark Phạm Thanh Hưng (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group).
Theo ý kiến của ông thì các “cá mập” đầu tư vào những dự án này có tiềm ẩn những rủi ro hay không? Từ thực tế bản thân, ông có lời khuyên nào dành cho các Startup hiện nay?
Chúng tôi luôn xác định đây là những đầu tư tương đối rủi ro. Phần lớn các doanh nghiệp (DN) được đầu tư còn rất non trẻ dù DN đã bắt đầu có sản phẩm, thị trường. Do vậy, chúng tôi mong muốn làm sao để vai trò các Shark được thể hiện chứ không chỉ vai trò tài chính. Và các Shark cần hỗ trợ tích cực về kết nối đặc biệt là tư vấn cho những DN này. Tuy nhiên, các Shark không thể làm quá nhiều DN do đó các Shark rất cần các hệ sinh thái của các bạn Startup để triển khai ở các lĩnh vực.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi thấy các bạn trẻ thông thường chỉ trông vào lượng tiền của Shark nhưng lại không khai thác được kinh nghiệm, tư duy cũng như mạng lưới mà các Shark hiện nay đang có. Đây là một điều khá đáng tiếc, bởi khi nhận được tiền từ các Shark các bạn ấy muốn làm theo ý của mình, thậm chí còn che đậy cả những thực tế trong kinh doanh để chứng tỏ mình có khả năng. Điều này cũng rất dễ hiểu vì các bạn rất muốn chứng tỏ bản thân mình nhưng trên thực tế, các bạn càng chia sẻ, càng cởi mở thì càng nhận được nhiều lợi ích. Nhưng khi xảy ra sự cố thì việc hỗ trợ rất khó khăn.
Mặt khác, trong khởi nghiệp, chúng ta phải hiểu Startup và các Shark đã là người cùng hội cùng thuyền do đó cần kết hợp với nhau để tận dụng được hết thế mạnh của các bên. Đây là chương trình chứ không phải là một giải thưởng. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn thông qua những “deal” trên truyền hình cũng truyền đi được các thông điệp và bài học kinh nghiệp cho việc khởi nghiệp cũng như bài học về đầu tư cho tất cả các bạn trẻ.
Từ thực tế của ông, ông nhìn nhận như thế nào về hiệu quả từ những đầu tư này? Đồng thời, ông tính mức lợi nhuận khi ông bỏ ra cho các khởi nghiệp đó để thành công là bao nhiêu? Với vai trò là một Shark trên ghế nóng, ông có tiêu chí nào cho mùa giải thứ 3 này?
Trên thực tế việc đầu tư còn có rất nhiều xác suất. Cụ thể, trong 10 “deal” được đầu tư chỉ có 3- 4 deal có hiệu quả, xác suất thành công chỉ ở mức 30-40% tính trên số lượng “deal” đầu tư. Tuy nhiên, chỉ cần 1 deal đầu tư thành công thôi lợi nhuận gấp cả 10 lần. Như vậy, chỉ cần một số ít deal đầu tư được thành công đã là sự thành công của nhà đầu tư. Đây chính là nguyên lý của đầu tư mạo hiểm.
Ở chương trình Shark Tank Việt Nam, mỗi Shark đều có tiêu chí cho riêng mình. Tuy nhiên, tiêu chí của tôi vẫn như thông lệ hai mùa vừa qua. Đó là những ý tưởng sáng tạo và có giá trị trong cuộc sống. Đồng thời, ý tưởng đó có khả năng mở rộng trong kinh doanh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Đặc biệt, ý tưởng đó cũng cần có hàm lượng công nghệ cao.
Xin cảm ơn ông!