Châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung về mức giá trần áp lên dầu mỏ của Nga
Dự kiến, các cuộc thảo luận sẽ được nối lại vào tối 24/11 hoặc ngày 25/11 (giờ địa phương).
Theo các nguồn tin, đại diện của 27 nước thành viên EU đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ để thảo luận về đề xuất áp mức giá trần từ 65 - 70 USD/thùng cho dầu nhập khẩu từ Nga theo đường biển dựa trên đề xuất của G7. Tuy nhiên, mức giá đề xuất này hoặc quá thấp hoặc quá cao đối với một số nước, dẫn đến việc EU chưa thể thống nhất một trần giá cụ thể.
G7 – bao gồm Mỹ, EU và Australia muốn áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào ngày 5/12 như một phần của kế hoạch hạn chế nguồn tài chính của nước này.
Tuy nhiên, việc xác định một mức giá trần vẫn là vấn đề gây tranh cãi: Ba Lan, Lithuania và Estonia cho rằng mức giá đề xuất từ 65 - 70 USD/thùng của G7 vẫn giúp Nga thu về lợi nhuận không hề nhỏ vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng. Ba Lan cho rằng giá trần không thể vượt 30 USD/thùng.
Ngược lại, CH Cyprus, Hy Lạp và Malta vốn có ngành vận tải đường biển phát triển lại đối mặt nguy cơ thiệt hại lớn nhất nếu hoạt động vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga bị cản trở. Những nước này cho rằng mức giá đề xuất là quá thấp, đưa ra yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại kinh doanh mà họ phải gánh chịu hoặc cần có thêm thời gian để các nước tiến hành điều chỉnh hoạt động.
Giới quan sát lưu ý rằng dầu thô Urals của Nga từ trước đã giao dịch trong phạm vi được thảo luận, quanh khoảng 68 USD/thùng. Do đó, các nhà ngoại giao EU cho hay hầu hết các nước EU, với các thành viên G7 là Pháp và Đức dẫn đầu, đều ủng hộ việc áp giá trần. Nhưng họ vẫn lo lắng về khả năng thực thi kế hoạch này.
Khoảng 70 - 85% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu thay vì hệ thống đường ống. Mục tiêu của kế hoạch áp giá trần là nhằm ngăn chặn các công ty vận tải, công ty bảo hiểm và công ty tái bảo hiểm tham gia vận chuyển dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi mặt hàng này được bán với giá thấp hơn mức trần do G7 và các nước đồng minh đặt ra.
Do các công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới đều đặt trụ sở ở các quốc gia thành viên G7, nên việc áp giá trần có thể khiến Nga khó có thể bán dầu mỏ với giá cao hơn. Hiện dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, cung cấp khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.