Chi phí lãi suất tăng cao đẩy Fed vào tình trạng thua lỗ nặng nhất lịch sử

Minh Trang (TTXVN) 08:17 | 15/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố khoản lỗ hoạt động lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2023, do tác động của lãi suất cao khiến chi phí lãi vay tăng vọt.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Fed bắt đầu tăng lãi suất cho vay kể từ tháng 3/2022, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tìm cách ngăn chặn sự gia tăng giá cả vốn đã đẩy lạm phát vượt xa mục tiêu dài hạn là 2%. Sau đó, Fed liên tiếp nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm và giữ lãi suất ổn định kể từ đó, dẫn đến chi phí lãi suất mà Fed phải trả tăng mạnh.

Theo báo cáo của Fed công bố ngày 12/1, chi phí lãi suất mà ngân hàng này phải trả đã vượt quá thu nhập tới 114,3 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Fed gánh chịu khoản lỗ hoạt động tồi tệ nhất từ trước đến nay vào năm 2023, nhưng ngân hàng này không yêu cầu Quốc hội hoặc Bộ Tài chính cấp thêm tiền để trang trải chi phí hoạt động.

Như thường lệ, 12 ngân hàng khu vực của Fed chuyển thu nhập của họ từ việc nắm giữ chứng khoán sang Bộ Tài chính, sau khi trừ các chi phí như lãi suất họ phải trả cho ngân hàng. Nhưng khi Fed lỗ nhiều hơn số tiền kiếm được, như trường hợp đã xảy ra kể từ tháng 9/2022, Fed chỉ cần kê khai những khoản lỗ này là "tài sản trả chậm" và ngừng trả tiền cho Bộ Tài chính.

Khi Fed có được nhiều hơn khoản tiền phải chi trả - điều có thể xảy ra khi lãi suất giảm, ngân hàng này sẽ bắt đầu trả lợi nhuận cho Bộ Tài chính khi lợi nhuận đã vượt quá số tài sản trả chậm.

Theo các nhà quan sát, với mức thua lỗ của Fed trong năm 2023 và tài sản trả chậm tích lũy của họ là 133 tỷ USD kể từ khi bắt đầu thua lỗ vào tháng 9/2022, quá trình trả lợi nhuận cho Bộ Tài chính có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Bà Michelle Bowman, một thành viên trong Hội đồng Thống đốc của Fed ngày 8/1 cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đã đủ hiệu quả hạn chế đối với nền kinh tế, và bà ủng hộ hạ lãi suất khi lạm phát giảm xuống. Nhận định này đánh dấu sự thay đổi trong lập trường của bà Bowman, vốn lâu nay ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ.  

Trước đó, quan chức này cho rằng Fed có thể sẽ cần thêm một đợt nâng lãi suất nữa để kiềm chế lạm phát. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã giảm từ mức cao nhất 40 năm qua trong năm 2022 xuống khoảng 2,6% tính đến tháng 11/2023.

Theo bà Bowman, nếu lạm phát tiếp tục tiến gần đến mức mục tiêu 2% của Fed, đó sẽ là lúc thích hợp để ngân hàng này bắt đầu hạ lãi suất để chính sách tiền tệ không mang tính hạn chế quá đà đối với nền kinh tế.

Tháng 12/2023, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25-5,5%, mức đã được duy trì từ tháng 7/2023. Fed cũng phát đi tín hiệu có thể hạ lãi suất trong năm nay.

Những bình luận mới nhất nói trên của bà Bowman cho thấy quan chức này cũng ủng hộ đường hướng lãi suất như vậy, dù bà vẫn thận trọng với những nguy cơ có thể đẩy lạm phát tăng trở lại, trong đó có các yếu tố địa chính trị, tình hình điều kiện tài chính nới lỏng trong thời gian gần đây, và sự thắt chặt trên thị trường lao động.

Bà Bowman khẳng định quan điểm rằng dù lập trường chính sách tiền tệ hiện tại đã đủ hiệu quả hạn chế để đưa lạm phát về mức 2% theo thời gian, bà vẫn sẵn sàng ủng hộ nâng lãi suất tại một cuộc họp trong tương lai nếu số liệu cho thấy quá trình đi xuống của lạm phát chững lại hoặc đảo chiều.

Theo biên bản cuộc họp ngày 12-13/12, các quan chức Fed đã tranh luận về việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, khi có lo ngại liệu nền kinh tế có thể thích ứng được với lãi suất cao trong bao lâu và về thời điểm dừng giảm quy mô bản cân đối kế toán.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng Fed có thể đã hoàn tất việc nâng lãi suất và dự kiến bắt đầu hạ vào cuối năm 2024.

Biên bản cuộc họp không trực tiếp nhắc đến thời điểm Fed có thể hạ lãi suất, nhưng cho thấy lạm phát đang được kiểm soát, trong lúc có lo ngại hơn về những rủi ro từ việc chính sách tiền tệ quá thắt chặt đối với nền kinh tế.

Vào đầu năm nay, Fed vẫn không chắc chắn về mức độ tác động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ đến nền kinh tế để kiểm soát lạm phát và ông Powell cảnh báo tác động là khó tránh. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và các nhà hoạch định chính sách đang hy vọng nhiều hơn về việc có thể kiểm soát lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. 

Các cuộc tranh luận ban đầu về thời điểm dừng giảm quy mô tài sản mà Fed nắm giữ cho thấy các nhà hoạch định chính sách hướng tới việc đảo ngược một chính sách có ít tác động hơn nhưng cũng tương tự như việc tăng lãi suất, cũng hạn chế hoạt động kinh tế nhằm hạ nhiệt lạm phát từ mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm.

Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022, các nhà hoạch định chính sách không sử dụng cụm từ "cao khó chấp nhận" để đánh giá về tình hình lạm phát.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro khi một số quan chức Fed cho rằng vẫn cần thắt chặt chính sách tiền tệ để tiết chế nhu cầu và những rủi ro địa chính trị có thể cản trở những tiến triển về lạm phát.

Một số quan chức Fed cho rằng có vấn đề khác đang nảy sinh là Fed sẽ sớm phải lựa chọn giữa việc kiểm soát lạm phát và duy trì tỷ lệ việc làm cao, điều mà ông Powell cam kết tránh.