Chi phí vốn dần hạ nhiệt, lợi nhuận ngân hàng dự báo phục hồi về nửa cuối năm

Diên Vỹ 11:02 | 16/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với kỳ vọng tín dụng tăng tốc trong nửa cuối năm, NIM tạo đáy sau nửa đầu năm và chi phí tín dụng tiếp tục duy trì ổn định, BSC cho rằng lợi nhuận toàn ngành trong nửa cuối năm sẽ dần dần hồi phục, được hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp ở cùng kỳ năm ngoái.

 

Tăng trưởng tín dụng dự báo tăng tốc trong nửa cuối năm

Trong phân tích triển vọng ngành vừa cập nhật gần đây, Chứng khoán BSC giữ nguyên dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 12% trong năm nay, thấp hơn định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo nhóm chuyên gia, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tăng tốc trong tháng 6. Theo đó, tính đến hết 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,7% so với đầu năm và là mức gần thấp nhất trong giai đoạn 8 năm gần đây, chỉ cao hơn 6 tháng đầu năm 2020. Dù vẫn cách khá xa định hướng cả năm 14% của NHNN, con số này cho thấy chuyển biến tích cực so với mức tăng trưởng tính đến hết 4 tháng và 5 tháng đầu năm 2023, lần lượt chỉ đạt 3,0% và 3,3% so với đầu năm. 

“Chúng tôi kỳ vọng vào đà tăng tốc của dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa cuối năm theo chu kỳ hàng năm. Dù vậy, BSC cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và tăng trưởng tín dụng 14% vẫn khá là thách thức trong năm nay khi sức khỏe của nền kinh tế trong nước và quốc tế suy yếu”, báo cáo của Chứng khoán BSC nhấn mạnh.

 

Hồi tháng 7 qua, NHNN đã tiếp tục phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm theo định hướng từ đầu năm. Theo đó, hạn mức mới của hầu hết ngân hàng dao động quanh 14-15% so với hạn mức ban đầu khoảng 9-10%, trong đó VPBank và MBBank vẫn là 2 ngân hàng dẫn đầu ngành với hạn mức được nới lên 23-24%, theo sau là MSB với ~18%.  

Trước đó, tính đến hết nửa đầu năm, VPB và MBB cũng là 2 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành (lần lượt đạt 10,1% và 11,2% so với đầu năm trên cơ sở hợp nhất) với đặc thù danh mục tập trung nhiều vào lĩnh vực cho vay kinh doanh BĐS. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng vừa phải (đặc biệt là ở VCB gần như không đổi so với quý trước). Theo BSC, điều này phản ánh sức cầu của các doanh nghiệp SXKD còn khá yếu.

Chất lượng tài sản của ngành có thể đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Về phía chất lượng tài sản, BSC nhận định áp lực lên chất lượng tài sản vẫn hiện hữu nhưng có thể đã qua giai đoạn khó khăn nhất và kỳ vọng sẽ duy trì ổn định trong các quý sau.

Theo đó, trong quý II/2023, nhóm phân tích nhận thấy các ngân hàng đã ghi nhận tốc độ gia tăng nợ xấu chậm lại so với quý I và đầu năm, ngoại trừ một số ngân hàng tư nhân quy mô trung bình như HDB, LPB, MSB, TPB hay STB và VPB vẫn cho thấy áp lực về suy giảm chất lượng tài sản.

Trong đó, VPB tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh nhất so với quý I do tác động hợp nhất từ mảng tài chính tiêu dùng FE Credit trong chu kỳ nền kinh tế đi xuống. Ngược lại, MBB là ngân hàng duy nhất trong danh sách theo dõi của BSC ghi nhận mức giảm đáng kể ở cả tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ hình thành. 

“Nhìn chung, xu hướng nợ xấu đã tăng chậm lại trong quý II so với thời điểm quý I. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy áp lực chất lượng tài sản vẫn hiện hữu khi tỷ lệ hình thành nợ xấu (đồ thị bên phải) duy trì khá cao ở hầu hết ngân hàng do mạnh tay xóa nợ, trong đó chỉ có MBB, VCB, VIB là những trường hợp ngoại lệ”, báo cáo của Chứng khoán BSC nhấn mạnh.

Nhìn chung, trong quý II, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 toàn ngành tăng nhẹ lần lượt 0,17 điểm % và 0,03 điểm % so với quý liền trước. Chi phí tín dụng (TTM) toàn ngành được duy trì ổn định ở mức 1,3% và điều này cũng giúp các tỷ lệ bao phủ toàn ngành có xu hướng được cải thiện hơn trong quý II. 

BSC cho rằng mặc dù còn áp lực, chất lượng tài sản của ngành có thể đã qua giai đoạn khó khăn nhất và kỳ vọng sẽ duy trì ổn định trong các quý sau, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ và bộ đệm dự phòng được tích lũy trong giai đoạn trước.

 

Chi phí vốn kỳ vọng hạ nhiệt dần

Trong quý II/2023, NIM bình quân của ngành ngân hàng tiếp tục thu hẹp xuống 3,4%, tức giảm 0,24 điểm % so với quý I và giảm 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhóm phân tích BSC, việc NIM thu hẹp bắt nguồn từ một số yếu tố như tác động của chi phí huy động gia tăng từ các khoản tiền gửi kỳ hạn có lãi suất cao ở cuối 2022 được phản ánh rõ ràng hơn trong quý II vừa qua trong khi lợi suất tài sản sinh lời giảm do nhiều ngân hàng thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng và gia tăng danh mục TPCP, trái phiếu của TCTD trong bối cảnh thị trường TPDN chững lại.

Điểm sáng đến từ tỷ lệ CASA toàn ngành có dấu hiệu tạo đáy và phục hồi trong quý II (tăng 0,16 điểm % so với quý trước. Hiện tượng này có thể đến từ việc các khoản tiền gửi dần đáo hạn và dịch chuyển phần nào sang tiền gửi thanh toán khi lãi suất huy động của các ngân hàng (đặc biệt là kỳ hạn 12 tháng) đã và đang giảm khá mạnh so với đầu năm. 

 

Từ những yếu tố này, Chứng khoán BSC kỳ vọng chi phí vốn bình quân ngành sẽ bắt đầu giảm trong nửa cuối 2023 với giả định (1) tỷ lệ CASA tiếp tục hồi phục, (2) các nguồn huy động mới có chi phí thấp hơn được thẩm thấu. Điều này sẽ tạo thêm dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh tín dụng mà không phải hy sinh thêm NIM.

 

Kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành dần hồi phục về nửa cuối năm

Với những kỳ vọng về (1) tín dụng tăng tốc trong nửa cuối năm, (2) NIM tạo đáy sau nửa đầu năm, (3) chi phí tín dụng tiếp tục duy trì ổn định như trên đây, BSC cho rằng lợi nhuận toàn ngành trong nửa cuối năm sẽ dần dần hồi phục, được hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp ở cùng kỳ năm ngoái.

 

Trước đó, theo ước tính của BSC, LNTT toàn ngành trong quý II vừa qua đạt hơn 62 nghìn tỷ, tức giảm 2,9% so với cùng kỳ, đồng thời ghi nhận sự phân hóa đáng kể. Trong đó, đóng góp vào mức giảm chủ yếu là các ngân hàng VPB (-37% svck), TCB (-23% svck), LPB (-51% svck), TPB (-25% svck) trong bối cảnh NIM thu hẹp và/hoặc chi phí dự phòng tăng cao. 

Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ giữ NIM ổn định hơn mặt bằng chung của ngành khi lợi suất tài sản sinh lời và chi phí vốn được điều chỉnh đồng thời và duy trì tốt chất lượng tài sản giúp chi phí dự phòng được kiểm soát. Chẳng hạn, lợi nhuận của BID (+6% svck), CTG (+13% svck), VCB (+25% svck).

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng cũng ghi nhận LNTT trong quý II phù hợp với kế hoạch nhờ cân đối tốt NIM như MBB (+4% svck), ACB (-2% svck), VIB (+7% svck). 

Nói thêm về định giá, các chuyên gia BSC cho rằng dù định giá cổ phiếu ngân hàng đã có mức hồi phục ~25% trong 7 tháng đầu năm, mức trung vị P/B lũy kế 12 tháng hiện tại = 1,31x vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm qua = 1,50x. Do đó, nhóm phân tích tiếp tục duy trì quan điểm KHẢ QUAN với ngành ngân hàng.

"Các quan tâm chính của chúng tôi trong nửa cuối 2023 sẽ bao gồm (1) tốc độ hồi phục NIM và lợi nhuận của ngành, (2) xu hướng nợ quá hạn, (3) sự ấm lên của thị trường BĐS đi cùng việc đẩy mạnh chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tín dụng", báo cáo nhấn mạnh.