Chỉ số DXY quanh mức cao nhất kể từ 2023: Chuyên gia dự báo gì về tỷ giá năm nay?

Diên Vỹ 11:00 | 14/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng rủi ro tỷ giá vẫn là mối lo ngại lớn trong năm 2025, một phần do hiệu ứng Trump 2.0. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan hơn, cũng có ý kiến cho rằng các yếu tố cơ bản sẽ giúp kiềm hãm đà tăng của chỉ số DXY trong năm 2025, khiến áp lực tỷ giá không quá căng thẳng.

2024 và những chặng đường gập ghềnh của tỷ giá

Ản: MBS

Kể từ tháng 3/2024, tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm khi đối mặt với sức ép từ việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm, nhu cầu về USD tăng vọt nhằm phục vụ cho việc nhập khẩu nguyên liệu và tích trữ đầu cơ. Áp lực tỷ giá có lúc chạm đến đỉnh điểm vào tháng 5/2024 khi chạm mức 25.470 VND/USD, đánh dấu mức mất giá khoảng 4,6% tính từ đầu năm. 

Sau khi vật lộn với áp lực mất giá, VND đã dần phục hồi đáng kể từ giữa tháng 9/2024, sau đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay với mức 50 điểm cơ bản của FED – đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 4 năm. 

Tuy vậy bước sang quý IV/2024, tỷ giá lại một lần nữa tăng nóng trở lại khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhằm gia tăng sản xuất cho mùa cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước cũng tăng cao trong giai đoạn này do phải chi trả các nghĩa vụ nợ. Cho đến tháng 12, áp lực tỷ giá vẫn căng thẳng do sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD, và đã đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất lịch sử tại 25.485 VND/USD vào cuối tháng 12. 

Nhìn chung, tính từ đầu năm 2024, đồng VND đã mất giá hơn 4,6% so với đồng USD. Tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng lên mức 25.800 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đạt mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng vào năm 2016 tại 24.335 VND/USD, tăng lần lượt 4,3% và 2% so với đầu năm 2024. Trong bối cảnh này, NHNN đã phải cung ứng ra thị trường lượng lớn ngoại tệ và linh hoạt điều tiết thanh khoản hệ thống ngân hàng nhằm giảm áp lực lên tỷ giá. 

Kịch bản nào cho tỷ giá 2025?

 Chỉ số DXY đang dao động quanh mức kỷ lục kể từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh chụp màn hình MarketWatch.

Tại thời điểm sáng 14/1/2025 (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index - DXY - ở mức 109,54 điểm, giảm nhẹ so với mức 109,96 điểm vào phiên đêm qua, nhưng vẫn đang dao động quanh mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Năm 2025 được dự báo vẫn là năm của đồng USD trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất giảm chậm hơn có thể được phản ánh vào sức mạnh của đồng bạc xanh.

Các quan chức FED gần đây đã bày tỏ lo ngại về lạm phát sau khi ông Donald Trump thắng cử, nguyên nhân từ các lệnh trừng phạt trong tương lai lên hàng hóa nhập khẩu. Do đó FED đã đưa ra lộ trình thận trọng hơn trong việc hạ lãi suất, với chỉ 50 bps trong năm 2025 thay vì 100 bps như kế hoạch tháng 9/2024.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Chứng khoán MB (MBS) dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý I/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025. 

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực (~24,77 tỷ USD trong năm 2024), dòng vốn FDI chảy vào (25,35 tỷ USD, +9,4% svck) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+39,5% svck trong năm 2024). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

Nhìn xa hơn, các chuyên gia từ Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định môi trường đồng USD mạnh có khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND tới quý III/2025 khi thị trường dần hấp thụ hết các thông tin từ thuế quan. FPTS dẫn dự phóng từ UOB cho hay tỷ giá USD/VND có thể đạt đỉnh vào quý III/2025, tăng 2,7% so với cuối năm 2024. 

“Sự việc tương tự cũng đã diễn ra trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi tỷ giá USD/VND đã tăng 2,4% chỉ trong 6 tháng từ khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc vào ngày 22/03/2018”, báo cáo của FPTS cho hay.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, Chứng khoán KBSec Việt Nam (KBSV) kỳ vọng sau năm 2024 tăng mạnh, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh được kỳ vọng sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2025 và kết thúc năm ở mức 108-110, qua đó ổn định vấn đề tỷ giá. 

Các chuyên gia KBSV chỉ ra một số yếu tố giúp DXY hạ nhiệt trong 2025 bao gồm: FED hạ lãi suất 2 lần trong năm 2025, tình trạng thâm hụt ngân sách ở Mỹ thêm trầm trọng, chỉ số DXY đang ở vùng cao, và tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ không quá vượt trội so với phần còn lại của thế giới như được chứng kiến trong năm 2024. 

Nhìn chung, các chuyên gia dự báo Donald Trump 2.0 sẽ gây áp lực tăng lên DXY, tuy nhiên nhiều yếu tố cơ bản giúp kiềm hãm đà tăng của chỉ số này trong năm 2025. Trên cơ sở đó, tính cho cả năm 2025, chuyên gia dự báo áp lực tỷ giá sẽ không quá căng thẳng với tỷ giá USD/VND tăng 1-2% so với cuối năm 2024, trong khi mặt bằng lãi suất chỉ tăng nhẹ và vẫn ở vùng thấp so với lịch sử.