Tỷ giá có thể tiếp tục neo cao trong quý III trước khi hạ nhiệt
Tính đến ngày 17/7, tỷ giá USD/VND neo quanh mức 26.142 VND/USD, tăng 2,58% kể từ đầu năm nhưng giảm so với thời điểm chạm đỉnh 26.300 VND/USD hồi cuối tháng 6. Tỷ giá thị trường phi chính thức cũng cho thấy xu hướng tạm thời bình ổn khi neo quanh mức 26.420VND/ USD.
Theo khối phân tích Chứng khoán Maybank (MSVN), sự bình ổn tỷ giá USD/VND hiện nay dựa trên một số yếu tố.
Thứ nhất là một số tín hiệu tích cực trong vấn đề đàm phán thuế quan làm bớt đi phần nào sự bất định về mặt chính sách. Bên cạnh đó là đà mua ròng của khối ngoại liên tiếp trong 2 tuần trở lại đây với lực mua áp đảo, một phần nhờ niềm tin vào việc Việt Nam khả năng cao sẽ được nâng hạng trong tháng 9 tới. Cuối cùng, dòng vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng +8,1% so với cùng kỳ và thặng dư thương mại tiếp tục duy trì trong tháng 6, hỗ trợ cho nguồn cung USD cũng góp phần bình ổn tỷ giá.
Tuy nhiên ở góc độ rộng hơn, nếu xét từ đầu năm đến nay, MBS Research nhận định cơn sốt tỷ giá vẫn chưa thực sự hạ nhiệt bất chấp chỉ số DXY đã giảm 12% so với đỉnh năm 2025. Một số nguyên nhân bao gồm diễn biến trái chiều của lãi suất trong nước khi Chính phủ và NHNN yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thặng dư thương mại thu hẹp đáng kể trong nửa đầu năm (-34,4% svck), do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu.
Đó là chưa kể áp lực từ nhu cầu ngoại tệ gia tăng khi Kho bạc Nhà nước có tới 10 đợt mua USD từ các NHTM kể từ đầu năm đến nay với tổng giá trị gần 1,9 tỷ USD (gần bằng mức 2,08 tỷ USD được mua trong cả năm 2024).

Ảnh: MBS Research
Dự báo cho các tháng cuối năm, MBS Research kỳ vọng tỷ giá trung bình năm 2025 sẽ dao động trong khoảng 26.600 – 26.750 VND/USD, phản ánh mức tăng 4,5% - 5% so với đầu năm.
Áp lực tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục đến từ xu hướng chênh lệch lãi suất USD-VND, ngay cả khi FED tiến hành cắt giảm lãi suất xuống 4%. Cùng đó là nguy cơ thặng dư thương mại tiếp tục thu hẹp và dòng vốn FDI có khả năng chậm lại để chờ đợi các thông tin rõ ràng hơn về thuế quan. Ngoài ra, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trong bối cảnh giá vàng tăng cũng sẽ gây sức ép phần nào lên vấn đề tỷ giá.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, KBSV cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ không tăng quá 4% trong năm nay, và là mức biến động trong biên độ cho phép trong bối cảnh các chính sách kinh tế đang được đẩy mạnh theo hướng kích thích tăng trưởng.
Chứng khoán An Bình (ABS) thì đưa ra kỳ vọng tỷ giá USD/VND có thể sẽ giữ ở mức cao trong quý III nhưng sẽ giảm nhẹ từ quý IV/2025 khi đồng USD suy yếu và các rủi ro thương mại toàn cầu giảm dần.
Tương tự quan điểm của ABS, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo tỷ giá USD/VND ngắn hạn vẫn neo ở mức cao khi lãi suất trong nước tiếp tục duy trì ở mức thấp vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên kỳ vọng tỷ giá sẽ hạ nhiệt từ quý IV sau khi FED giảm lãi suất vào tháng 9.