Fed trì hoãn nới lỏng, tỷ giá Việt Nam chịu áp lực
Áp lực tỷ giá tăng mạnh dù đồng USD toàn cầu suy yếu
Tỷ giá trung tâm giữa đồng USD và VND tiếp tục leo thang và lập đỉnh mới trong tháng 7. Sau khi chạm mốc 25.131 VND/USD vào ngày 10/7 - mức cao chưa từng có kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng, tỷ giá này tiếp tục tăng thêm trong những ngày sau đó. Tính đến ngày 18/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm ở mức 25.176 VND/USD, tăng tổng cộng 37 đồng chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Diễn biến này cho thấy áp lực lên tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay cả khi chỉ số DXY của đồng USD toàn cầu đang trong xu hướng giảm.

Tỷ giá trung tâm tiếp tục leo thang và lập đỉnh mới trong tháng 7.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận phân tích khách hàng cá nhân tại Yuanta Việt Nam, sự bất tương đồng giữa diễn biến của DXY và USD/VND cho thấy mức độ lo ngại của thị trường trước những thay đổi bất ngờ trong chính sách thương mại Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump đưa ra thời hạn ngày 1/8 cho vòng áp thuế mới đã khiến tỷ giá chịu sức ép ngay cả khi đồng USD quốc tế đi xuống.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 6, VND đã mất giá khoảng 2,8% so với USD. Dự kiến, tỷ giá có thể còn tiếp tục biến động mạnh trong quý III trước khi ổn định hơn từ quý IV nếu Fed phát tín hiệu rõ ràng hơn về chu kỳ giảm lãi suất. Theo báo cáo của Ngân hàng UOB, tỷ giá USD/VND có thể lên mức 26.400 trong quý III và giảm dần xuống còn 25.800 vào quý II/2026 nếu thương mại quốc tế hạ nhiệt.
Tuy nhiên, yếu tố cấu trúc cũng khiến tỷ giá khó giữ ổn định trong ngắn hạn. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam khoảng 80 tỷ USD, chưa đạt mức tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo thanh khoản, khi trung bình ba tháng nhập khẩu đầu năm là 105 tỷ USD. Sự mất cân đối này khiến nền kinh tế dễ tổn thương trước biến động bên ngoài, đồng thời làm gia tăng áp lực lên giá cả hàng nhập khẩu, kéo theo nguy cơ lạm phát.
Việc Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25 - 4,5% trong kỳ họp tháng 6 là một thông điệp rõ ràng rằng họ chưa sẵn sàng bước vào chu kỳ nới lỏng. Dù nhiều chuyên gia dự đoán Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 hoặc 10 nếu dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu, sự trì hoãn này đang buộc các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược điều hành.
Chính sách tiền tệ trong thế giằng co
Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%. Theo nhóm phân tích tại Ngân hàng UOB và VDSC, nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý III, Việt Nam sẽ có thêm dư địa để hỗ trợ tăng trưởng thông qua điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, với chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang ở mức âm, khả năng nới lỏng mạnh tay là rất hạn chế vì có thể khiến dòng tiền rời khỏi thị trường nội địa.

Tác động của Fed ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của SBV cho biết, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng là cần thiết, nhưng cũng làm giảm sức hấp dẫn của VND. Khi thị trường toàn cầu vẫn ưu tiên lợi suất cao từ USD, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển ra ngoài, tạo áp lực trực tiếp lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, tác động dây chuyền từ tỷ giá đang lan sang các yếu tố khác trong nền kinh tế. Khi đồng nội tệ mất giá, giá nhập khẩu nguyên vật liệu tăng lên, chi phí đầu vào của doanh nghiệp bị đẩy cao, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận, đầu tư và tăng trưởng. Theo ABS Research, điều này đặc biệt đáng lo khi các doanh nghiệp xuất khẩu, vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu thêm áp lực từ các chính sách thuế mới của Mỹ.
Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 7,52% - mức cao nhất trong nhiều năm nhờ các chính sách tài khóa mở rộng và giải ngân đầu tư công mạnh. Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm sẽ phụ thuộc lớn vào hướng đi chính sách của Fed và kết quả các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu.
Các tổ chức như IMF, UOB và Standard Chartered đều đưa ra cảnh báo rằng Việt Nam cần thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa giai đoạn tới để giữ ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh đó, khả năng nâng hạng thị trường trong tháng 9 có thể là cơ hội lớn để thu hút dòng vốn quốc tế, nhưng chỉ có thể thành hiện thực nếu tỷ giá được kiểm soát và môi trường đầu tư vẫn duy trì tính ổn định.
Sự linh hoạt và chủ động trong điều hành chính sách sẽ là yếu tố quyết định. Nếu Fed bước vào chu kỳ nới lỏng thực sự từ quý III, Việt Nam có thể nới thêm chính sách, hỗ trợ tín dụng và duy trì đà tăng trưởng. Ngược lại, nếu lộ trình này tiếp tục trì hoãn, điều hành trong nước sẽ phải nghiêng nhiều hơn về ổn định thay vì kích thích, chấp nhận đánh đổi một phần tốc độ để giữ chắc nền tảng.
Có thể thấy, tỷ giá đang trở thành điểm nóng chính sách và là thước đo thực tế cho năng lực thích ứng của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự cân bằng giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng không còn là mục tiêu lý thuyết mà là một bài kiểm tra chiến lược sống còn cho nền kinh tế trong nửa cuối năm 2025.