Chỉ số PCI là công cụ để địa phương hoàn thiện mình
06:58 | 28/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong 14 năm qua, chỉ số PCI đã được xây dựng nhằm đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Theo đó, chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố để xác định những lĩnh vực và cách thức để thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.
Thưa ông, theo Báo cáo Chỉ số PCI năm 2018 vừa được công bố có những điểm gì nổi bật so với những năm trước?Và có điểm gì cần lưu ý trong báo cáo này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Báo cáo PCI năm 2018 đã cho thấy chuyển biến khá tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam nói chung cũng như các tỉnh, thành phố nói riêng. Dưới đánh giá của các doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam hay những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chi phí không chính thức đang được cắt giảm, và đây là năm thứ 2 liên tiếp những nhóm chỉ số về chi phí không chính thức giảm.
Đây là một tín hiệu rất tích cực, bởi vì trong vòng 14 năm làm PCI thì hầu như chi phí không chính thức đều tăng. Từ đó cho thấy nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành đang có những tác động lớn.
Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính được ghi nhận ở rất nhiều lĩnh vực. Cả nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài đều cảm nhận được các thủ tục hành chính với các cơ quan chính quyền đang thuận lợi, ngắn gọn và thân thiện hơn. Trước đây, ở môi trường kinh doanh của Việt Nam, các DN tư nhân cho rằng chưa có sự bình đẳng với DNNN, DN nước ngoài, nhưng hiện nay DN tư nhân cho rằng môi trường kinh doanh đang dần trở nên minh bạch và bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, đánh giá PCI năm 2018 cũng cho thấy những dấu hiệu cần phải quan tâm. Trước tiên, nhóm DN gặp khó khăn có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Nếu chia theo quy mô sử dụng vốn, quy mô sử dụng lao động thì các DN quy mô nhỏ ở Việt Nam đang gặp khó khăn, bi quan hơn các DN lớn.
Từ đó cho thấy, đây là một thông tin hết sức quan trọng và các chính quyền địa phương có lẽ cần quan tâm hơn nhóm DN nhỏ này, quan tâm đến họ bằng những chương trình hỗ trợ thiết thực trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai; tìm kiếm khách hàng, mặt hàng, đối tác; tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp... Đặc biệt, trong lịch làm việc của lãnh đạo tỉnh hầu như tiếp các nhà đầu tư lớn, các Tập đoàn, các nhóm DN có quy mô lớn... chứ rất ít những hoạt động lắng nghe, chia sẻ, gặp gỡ, đối thoại với DN nhỏ và siêu nhỏ. Bởi nhóm DN này là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Từ những thông tin trên, theo ông lãnh đạo, chính quyền địa phương cần thay đổi điều gì để Chỉ số PCI không chỉ là xếp thứ hạng mà nó thực sự tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN?
Ông Đậu Anh Tuấn: Bảng xếp hạng cụ thể của PCI không nên là đích đến của chính quyền địa phương mà chỉ là công cụ để các địa phương nhìn lại môi trường kinh doanh của mình, để chọn ra các trọng tâm cần cải cách, đặc biệt, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên cải cách trong thời gian tới.
Thực ra những nỗ lực cải thiện PCI như minh bạch, công khai, thuận lợi... không bao giờ thừa. Vì vậy, PCI mong muốn trở thành công cụ chính sách cung cấp cho lãnh đạo tỉnh những số liệu, thông tin phục vụ cho quá trình điều hành. Chính quyền địa phương cũng nên ban hành, thực thi chính sách dựa trên những bằng chứng thực chứng, những số liệu điều tra rõ ràng là một cách rất quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động điều hành. Điều đáng chú ý, từ kinh nghiệm thực tế, những lãnh đạo tỉnh nào sử dụng PCI tốt có thể thúc đẩy các sở, ngành chuyển động.
Ngoài ra, PCI là tiếng nói từ thực tiễn, chính vì vậy đối với chính quyền cầu thị, lắng nghe có thể thúc đẩy các hoạt động đối thoại... Chẳng hạn như có thể biết vấn đề đất đai còn nhiều khó khăn, có thể đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn. Nếu vấn đề thanh, kiểm tra trên địa phương quá mức thì có lẽ cần có cơ chế để phối hợp các hoạt động thanh, kiểm tra hoặc giám sát, công khai hoạt động thanh tra, giúp khởi động các hoạt động thiết thực. Những cải cách thực chất, có ý nghĩa thực tế sẽ mang lại những tác động tốt, thể hiện qua PCI.
Rất nhiều địa phương trong kế hoạch làm rất nhiều mô hình, thực hiện rất nhiều cách thức, nhưng nếu cách thức ấy không mang lại lợi ích trực tiếp cho DN, các nhà kinh doanh thì rõ ràng không tạo ra chuyển biến.Ban hành một kế hoạch ‘lời hay, ý đẹp’ không có ý nghĩa bằng việc nó có đi vào thực tiễn, người dân và DN có được hưởng lợi hay không?
Thưa ông, Báo cáo PCI 2018 đã có 1 chương để đánh giá khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN tư nhân Việt Nam, tuy nhiên khả năng này vẫn còn hạn chế. Vậy có thể chia sẻ cụ thể về những hạn chế này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Một trong nhữnghạn chế của quá trình hội nhập thời gian qua là việc các DN tư nhân Việt Nam chưa tham gia được sâu và toàn diện vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉ lệ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mua các hàng hóa, sản phẩm của DN tư nhân Việt Nam chưa thực sự cao. Tỉ lệ DN tư nhân Việt Nam bán hàng, cung cấp dịch vụ cho các DN FDI hoặc xuất khẩu trực tiếp chưa lớn và điều này cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại.
Việc FDI vào Việt Nam, bên cạnh những Tập đoàn lớn, những công ty có quy mô hàng đầu thế giới, thì xu hướng gần đây, các DN FDI có quy mô nhỏ hơn, điều này cũng rất tốt, thể hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nhiều cơ hội kinh doanh năng động, tuy nhiên nó lại tạo áp lực cho các DN tư nhân về mức độ quản trị, nguồn nhân lực...
Trong khi đó, việc thúc đẩy DN tư nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu dựa vào nhiều yếu tố: chất lượng lao động, trình độ quản trị DN... Đặc biệt, về hệ thống giải quyết tranh chấp rất quan trọng, nếu DN chỉ quen với cách truyền thống hiện nay, dựa trên những quen biết, giao kết hoặc dựa trên cách phân xử tranh chấp phi chính thức hiện nay thì khó làm ăn với DN nước ngoài. Ngược lại, với nhà đầu tư nước ngoài, nếu họ không tin hợp đồng sẽ được thực hiện thì rất khó tạo động lực làm ăn với DN tư nhân Việt Nam.