Chi trả 13.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp trong đại dịch COVID-19

18:54 | 27/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hơn 11 năm triển khai, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp là “điểm tựa” cho người thất nghiệp, là giá đỡ cho người lao động.
Đáng chú ý là trong đại dịch COVID-19, đến tháng 10/2020, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền chi trả lên tới gần 13 nghìn tỷ đồng.
 
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm hơn 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, với hơn 230.000 người được hỗ trợ học nghề.
 
Chi trả 13.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp Người lao động đến làm thủ tục hưởng BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội
 
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đến hết tháng 10/2020, cả nước đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 882.000 người, với số tiền chi trả gần 13 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm nay, số người nhận bảo hiểm thất nghiệp là hơn 1 triệu người với số tiền ước thực hiện chi trả là 16 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 33% so cùng kỳ 2019, tuy nhiên, số người học nghề giảm 50% so với cùng kỳ.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn một số vấn đề cần khắc phục. Trong đó, chính sách mới chỉ tập trung cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Nhiều địa phương chưa chú ý đến đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động bị thất nghiệp.
 
“Do phần lớn người lao động là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính, không có điều kiện để học nghề. Phần chính sách của bảo hiểm thất nghiệp chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác, do vậy người lao động trang trải chi phí cuộc sống và các chi phí khác không có đủ kinh phí tài chính nên học nghề cũng hạn chế. Một nguyên nhân nữa, mức hỗ trợ học nghề hiện nay theo đánh giá cũng chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện, người lao động phải bỏ thêm một phần chi phí đối với một số ngành nghề nên rất khó khăn”, ông Tú thẳng thắn chỉ rõ.
 
Để hỗ trợ người lao động tìm được việc làm mới sau khi thất nghiệp, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, cần quan tâm triển khai hiệu quả công việc tư vấn, giới thiệu việc làm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng như có chế độ phù hợp để các trung tâm nâng cao chất lượng giới thiệu việc làm và tư vấn hỗ trợ học nghề.
 
Chi trả 13.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, cần quan tâm triển khai hiệu quả công việc tư vấn, giới thiệu việc làm để tạo việc làm mới cho lao động sau thất nghiệp
 
“Chúng tôi nghĩ rằng cũng cần thiết phải quan tâm bố trí nguồn lực để giúp các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong hệ thống 63 tỉnh, thành phố được nâng cao năng lực, để triển khai hiệu quả công việc. Hiện nay, nguồn lực cán bộ, nhân viên của các Trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế, công việc liên quan đến lĩnh vực này tiếp xúc trực tiếp với người lao động nên công việc phát sinh rất lớn. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động đồng bộ, có chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất lao động và có các chế độ phù hợp để các trung tâm tự chủ và nâng cao năng lực”, ông Thảo kiến nghị.
 
Theo ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHXH Việt Nam), với tốc độ tăng người hưởng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay thì số tiền chi trả ngày càng tăng lên. Năm 2020, ước số thu chỉ vừa đủ chi trả hai chế độ cho người lao động trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề.
 
Ông Đào Duy Hiệu chia sẻ để tránh tình trạng kết dư lớn thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn: “Luật việc làm điều chỉnh quy định về việc ngân sách nhà nước hỗ trợ vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thêm vào đó là Nghị quyết 28 định hướng sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường hỗ trợ phòng ngừa thất nghiệp cho người lao động. Chế độ hiện nay chưa phát sinh người hưởng và với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam thực hiện quản lý và sử dụng quỹ theo đúng quy định của và số dư quỹ BH thất nghiệp được sử dụng đầu tư tăng trưởng theo đúng quy định”.
 
Theo VOV