Chính phủ đồng ý chi thêm 462 tỷ đồng đề phát triển thủy sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg, bổ sung kinh phí cho 27 địa phương có ngành thủy sản, theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý trích thêm tiền từ ngân sách trung ương vào ngân sách địa phương nhằm thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản. Bao gồm các mục: phí đào tạo, duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép; chính sách bảo hiểm và hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với năm 2018, 2019, 2020; kinh phí để tiến hành các chính sách an sinh xã hội giai đoạn từ năm 2017-2020.
Tổng nguồn kinh phí bổ sung cho đợt chi lần này là 462,095 tỷ đồng. Số tiền này đã được Quốc hội đồng ý chi vào phát triển thủy sản, sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Về con số cụ thể cho các tỉnh: Tiền Giang nhận được 74,377 tỷ đồng, Bình Định được chi 59,624 tỷ đồng, Kiên Giang 42;975 tỷ đồng; Thanh Hóa 36,520 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế 31,835 tỷ đồng; Quảng Bình 26,988 tỷ đồng; Nam Định 17,329 tỷ đồng; Hải Phòng 13,883 tỷ đồng, Quảng Ninh 500 triệu đồng,...
Ảnh minh họa
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có nhiệm vụ chính tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Đề xuất và thông báo bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương đến các địa phương liên quan thực hiện theo quy định.
Quá trình sử dụng, thanh quyết toán số tiền bổ sung phải bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng và tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Trước đó vào tháng 3 Vasep (Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam) cũng nêu bật vấn đề của ngành thủy sản đó chính là vốn đầu tư, kinh phí cơ sở hạ tầng của ngành còn thấp. Rất cần thêm những chính sách hỗ trợ đến từ Nhà nước.
Trong một diễn biến liên quan, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì ngành thủy sản cũng như các ngành khác không tránh hỏi ảnh hưởng. Tổng cục thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã thường xuyên rà soát tình hình sản xuất của các địa phương, từ đó đảm bảo công tác chống dịch không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và chế biến.
Trước tình hình xuất khẩu thủy sản khó khăn, định hướng sắp tới của ngành chính là nhắm đến thị trường nội địa. Tổng cục yêu cầu sản phẩm tươi sống đóng góp vào việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm sạch trong nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người dân. Việc này sẽ giúp ngư dân thay đổi thói quen khai thác, quan tâm đến khâu bảo quản để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Năm ngoái, nước ta đã đạt được 8,45 triệu tấn sản lượng thủy sản, trong đó khai thác vào mức 3,85 triệu tấn và nuôi trồng khoảng 4,6 triệu tấn.
Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành mục tiêu chiến lược cho ngành đến năm 2030 sản lượng phải đạt 9,8 triệu tấn. Trong đó chú trọng đến sản lượng nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, còn lại là khai thác 2,8 triệu tấn.
H.S
Xem thêm: Minh Phú Seafood - Tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới