Cho vay bất động sản có xu hướng khởi sắc
Cụ thể, số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho thấy tổng dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 7/2024 đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Điều đáng chú ý là mức tăng này cao hơn so với mức tăng tín dụng chung trên địa bàn, vốn chỉ đạt 3,9%, qua đó phần nào phản ánh sự khởi sắc của thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
Phân khúc tín dụng nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 57% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Đặc biệt, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đã tăng mạnh, đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023. Giải ngân từ gói 120 nghìn tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng, chủ yếu dành cho các dự án nhà ở cho công nhân tại khu vực Tp. Thủ Đức.
Không riêng Tp. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng bất động sản trên toàn quốc cũng có dấu hiệu khởi sắc. Tính chung toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng bất động sản toàn quốc đã tăng 4,6%, trong đó cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh 10,29%, chiếm 39-40% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng nhẹ chỉ 1,15%, cho thấy nhu cầu đầu tư và kinh doanh bất động sản đang hồi phục tích cực hơn so với tiêu dùng cá nhân.
Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá tín dụng bất động sản đã trở thành phân khúc quan trọng giúp nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng trong quý II/2024. Có đến 14/27 ngân hàng báo cáo mức tăng trưởng tín dụng từ 6% trở lên, trong đó nổi bật là các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) với mức tăng trưởng trên 10%. Sự sôi động của thị trường bất động sản, kết hợp với các chính sách hỗ trợ và ưu đãi lãi suất từ ngân hàng, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng này.
Cùng với việc nền kinh tế hồi phục và ba sắc luật gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất cạnh tranh. Mục tiêu của các gói vay này là thu hút khách hàng mua nhà, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án.
Nhiều ngân hàng thương mại Nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang áp dụng các mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 5-7%/năm để phục vụ nhu cầu vay mua nhà, kinh doanh và tiêu dùng.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã giảm lãi suất từ 0,9% đến 1,3% cho các khách hàng hội viên có nhu cầu vay mua, xây, sửa nhà, đồng thời áp dụng lãi suất từ 5,5%-5,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên, cùng chính sách miễn trả gốc trong 5 năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) áp dụng lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 5,49%, với thời gian ân hạn gốc 24 tháng, trong khi HDBank áp dụng lãi suất từ 3,5% đến 8% tùy vào thời hạn vay. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua, không giới hạn số tiền vay với lãi suất từ 5,79%/năm.
Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc tín dụng bất động sản tăng trưởng nhanh trong các tháng gần đây là một xu hướng tự nhiên, khi nhu cầu về nhà ở và kinh doanh bất động sản là thực tế. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nguyên nhân tín dụng bất động sản vẫn chưa thực sự bứt phá dù lãi suất vay đang ở mức thấp kỷ lục là bởi giá nhà vẫn ở mức cao. Tỷ lệ vay vốn để mua nhà thường lên tới 70%-80% giá trị căn nhà, tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho người mua, đặc biệt khi lợi nhuận từ việc đầu tư bất động sản trong giai đoạn này không cao.
Ngoài ra, TS. Hiếu cảnh báo về rủi ro nợ xấu nếu các ngân hàng tập trung quá nhiều vào tín dụng bất động sản mà bỏ qua các lĩnh vực khác. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nếu thị trường gặp khó khăn.
Theo vị chuyên gia này, các ngân hàng nên phân bổ tín dụng hợp lý giữa các lĩnh vực để giảm thiểu rủi ro. Dù bất động sản là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao, nhưng sự phát triển bền vững cần có sự đồng đều giữa các ngành nghề khác.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng, do Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong nửa đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng cho biết có xu hướng “không đổi” hoặc “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đúng như dự kiến tại cuộc điều tra 6 tháng cuối năm 2023.
Xu hướng này ghi nhận ở các lĩnh vực cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay mua nhà để ở… Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng giảm bớt xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, ngân hàng - bảo hiểm và xây dựng.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2024, xu hướng "nới lỏng" nhẹ tiêu chuẩn tín dụng sẽ tiếp tục diễn ra đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn cũng sẽ được thu hẹp, giúp kích thích nhu cầu vay tiêu dùng, vay mua bất động sản để ở.
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 12-13%, với động lực chính đến từ sự hồi phục của các ngành sản xuất, xuất khẩu và giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Bất động sản cũng được dự đoán sẽ hồi phục rõ nét từ quý II/2024, góp phần vào sự tăng trưởng của tín dụng trong các phân khúc doanh nghiệp và cá nhân.
Báo cáo từ VPBankS nhấn mạnh rằng với sự điều chỉnh chính sách và các gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, tăng trưởng tín dụng bất động sản có thể được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.