Chủ đầu tư dự án điện gió gần 5 tỷ USD tại Bình Định xin gia hạn thời gian triển khai
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch địa phương Nguyễn Phi Long đã có buổi làm việc trực tuyến với với Tập đoàn PNE, Cộng hòa liên bang Đức với nội dung chính về giải pháp khởi động dự án điện gió ngoài khơi.
Cuộc gặp mặt cho biết các nhà hoạch định dự kiến sẽ thực hiện dự án tại hải phận 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD, xây dựng 154-166 tuabin gió với tổng công suất khoảng 2.000 MW.
Ba giai đoạn sẽ là quãng thời gian cần thiết để triển khai và hoàn thiện dự án.
Giai đoạn 1 thí điểm có công suất 700 MW, tổng vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD xây dựng ở vùng biển ven bờ 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát có độ sâu từ 60m-100m.
Phía Tập đoàn PNE dự định tiến hành các bước khảo sát kỹ thuật liên quan tới dự án trong năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài làm hạn chế việc đi lại và tổ chức triển khai hoạt động tại khu vực khảo sát, nghiên cứu nên đề nghị gia hạn thời gian thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10/2021.
Do đó, các giai đoạn tiếp theo sẽ bị lùi lại: Thí điểm có công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2025. Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026 và giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn PNE mong muốn tỉnh Bình Định hỗ trợ cho tập đoàn các công việc cần thiết trong quá trình triển khai các bước tiếp theo của dự án. Doanh nghiệp này cam kết rằng ngay khi dịch bệnh ổn định sẽ cử đoàn công tác đến Bình Định để triển khai các thủ tục cần thiết.
Được biết, PNE AG (trước đây là Plambeck Neue Energie AG) là Tập đoàn của Đức có trụ sở tại Cuxhaven, bang Niedersachsen, Đức được thành lập vào năm 1995.
Tập đoàn hiện đang thực hiện các dự án về năng lượng điện gió trên đất liền và trên biển (ngoài khơi). Mô hình kinh doanh của PNE AG bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bán các trang trại điện gió. Ngoài ra, các sản phẩm của PNE AG còn bao gồm các dự án về công nghệ quang điện, lưu trữ điện và điện hình thành từ khí hydro.
Tập đoàn hiện đã đầu tư dự án tại một số quốc gia phát triển như Hungary, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số nước đang phát triển tại Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Đông.
Làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào điện gió Việt Nam
Bên cạnh dự án "khủng" ở Bình Định của PNE, điện gió Việt Nam thời gian gần đây cũng chứng kiến làn sóng đầu tư, thu hút tài trợ của nhiều tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, ngày 28/10 vừa qua Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký kết hiệp định khởi động Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2021-2025.
Đây là giai đoạn 3 của chương trình hợp tác dài hạn giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng được thiết lập vào năm 2013. Chương trình sẽ do Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp thực hiện với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 60,3 triệu DKK (tương đương 10 triệu USD) dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật của Đan Mạch.
Chương trình sẽ được triển khai trong 5 năm từ năm 2021 đến năm 2025. Tập trung vào hoạt động thúc đẩy điện gió ngoài khơi và hoạt động xây dựng các cơ chế khuyến khích nhằm cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Chương trình DEPP III cũng sẽ tiếp tục tập trung vào thiết lập mô hình dài hạn cho ngành năng lượng với ấn phẩm Báo cáo Triển vọng Năng lượng được xuất bản định kỳ 2 năm một lần.
Bên cạnh đó, việc hợp tác sẽ giúp tăng nguồn vốn hỗ trợ cho Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, trong cùng ngày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố khoản ngân sách 860.000 USD để tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo trong đó có điện gió tại Việt Nam.
Đó là các dự án: Các nhà máy điện gió trên bờ (công suất 350MW) tại Gia Lai của Công ty cổ phần TSV và Asia Renewables; Thử nghiệm công nghệ điện sóng biển ngoài lưới của công ty INGINE Pacific trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi và các nhà máy điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Cà Mau (công suất 300MW) và Trà Vinh (công suất 200MW).
Một dự án điện gió có vốn đầu tư nước ngoài nổi bật có thể kể đến là: Điện gió ngoài khơi La Gàn - liên doanh giữa Công ty cổ phần năng Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch), công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỷ USD (tầm 242.000 tỷ đồng).
Hồi đầu năm 2021, đại gia năng lượng Đan Mạch - Tập đoàn Orsted cho biết chọn Việt Nam là điểm đầu tư tiếp theo vào điện gió ngoài khơi, sau loạt dự án thành công tại châu Á. Dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận đang được tập đoàn cân nhắc để đầu tư.