Chủ sở hữu sản phẩm `sữa ông Park` báo lỗ hơn 11 tỷ đồng trong năm 2019

21:53 | 28/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong năm 2019, dù doanh thu tăng trưởng 7%, lên 225 tỷ đồng, VPMilk vẫn báo lỗ 11 tỷ. Thậm chí, giá vốn hàng bán tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, hãng sở hữu thương hiệu sữa ông Park lỗ hơn 30 triệu đồng.
Công ty cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk), là hãng sữa non trẻ mới gia nhập thị trường từ năm 2014, mới đây đã cho ra mắt sản phẩm sữa đặc với tên gọi sữa ông Park, lấy theo tên huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, đây cũng là dòng sữa đặc duy nhất của doanh nghiệp.

Sự kết hợp này diễn ra sau khi ông Park Hang-seo trở thành đại sứ thương hiệu của VPMilk từ năm 2018. Trước đó, chiến lược gia người Hàn Quốc cũng từng tham gia quảng cáo cho nhiều sản phẩm khác của hãng.

Năm 2017, hãng sữa này đã ký kết gói tài trợ 50 tỷ đồng cho đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và từ năm 2018 ký hợp đồng đại sứ thương hiệu với HLV Park Hang-Seo; thậm chí còn lấy họ của HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam đặt tên cho dòng sản phẩm sữa đặc mới ra mắt của mình: Sữa Ông Park.
 
Chủ sở hữu sản phẩm
Huấn luyện viên Park Hang-seo trở thành đại sứ thương hiệu của VPMilk vào năm 2018. Ảnh: VPMilk

Bên cạnh sữa đặc, công ty này kinh doanh nhiều sản phẩm khác liên quan đến sữa, như sữa công thức dinh dưỡng, sữa công thức pha sẵn, sữa dinh dưỡng, sữa tươi - sữa chua, sữa tươi thanh trùng và nước yến.

Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký thêm hoạt động bán lẻ hàng hóa khác lưu động hoặc tại chợ; đại lý ôtô và xe có động cơ khác; bán buôn vải, hàng may mặc, giày dép; dịch vụ cho thuê văn phòng; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; hoàn thiện công trình xây dựng.

Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của VPMilk tăng hơn gấp rưỡi lên 225 tỷ nhưng công ty chưa có lãi.

Mặc dù không còn được sử dụng phổ biến như 10-20 năm trước nhưng sữa đặc vẫn là một phân khúc lớn trong ngành sữa, được sử dụng chính để làm bánh, pha cà phê. Những thương hiệu chính trên thị trường hiện có Ngôi sao Phương Nam, ông Thọ, Dutch Lady…

Một số hãng sữa hoặc tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng khác cũng góp mặt tại phân khúc này thông qua việc thuê đối tác gia công sản xuất và VPMilk cũng chọn cách thức này khi sản phẩm được sản xuất tại Malaysia.

Trên thị trường hiện nay, những sản phẩm sữa đặc nổi tiếng có thể kể đến ông Thọ, Cô gái Hà Lan, Ngôi sao Phương Nam. Sữa ông Thọ thậm chí có mặt tại Việt Nam từ năm 1970 và doanh nghiệp sở hữu thương hiệu này là Vinamilk đang thống trị thị trường với khoảng 90% thị phần.

Việc bước chân vào phân khúc sữa đặc của VPMilk được đánh giá là sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đầu tư lớn để thâm nhập thị trường, VPMilk chưa có lợi nhuận. Mức lỗ cũng được thu hẹp từ 39 tỷ năm 2017 xuống còn 11 tỷ đồng năm 2019.

Giai đoạn 2016-2019, nguồn thu của VPMilk tăng trưởng ổn định. Năm 2016, doanh thu thuần ở mức 19 tỷ đồng, lãi gộp 5,8 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp khoảng 30% (khá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành). Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 67 triệu đồng.

Cũng trong năm này, VPMilk tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 100 tỷ và chưa có thay đổi gì cho đến nay.

Đến năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của chủ thương hiệu sữa ông Park cải thiện dần lên 141 tỷ đồng rồi 210 tỷ, lợi nhuận gộp của hai năm này lần lượt ở mức 15 tỷ đồng và 43 tỷ. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại báo lỗ đến 39 tỷ đồng trong năm 2017 và còn âm 31,4 tỷ năm 2018.

Đáng chú ý, năm 2017, VPMilk ký hợp đồng tài trợ 50 tỷ đồng cho câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Trong khoảng thời gian này, tên thương hiệu được in trên áo đấu của đội bóng phố núi.

Sau đó một năm, đến lượt HLV Park Hang-seo ký hợp đồng trở thành đại sứ thương hiệu của VPMilk. Nhiều người nhìn nhận những thương vụ đình đám trên sẽ giúp doanh nghiệp bứt phá trên thị trường sữa.

Thực tế, trong năm 2019, dù doanh thu tăng trưởng 7%, lên 225 tỷ đồng, VPMilk vẫn báo lỗ 11 tỷ; thậm chí, giá vốn hàng bán tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, hãng sở hữu thương hiệu sữa ông Park lỗ hơn 30 triệu đồng.
 
Chủ sở hữu sản phẩm
Nguồn: Zing

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty đạt lần lượt là 155 tỷ và 48 tỷ đồng.

Thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của VPMilk đạt 155 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 48 tỷ, chiếm 31%.

Một tân binh khác của ngành sữa là Anova Milk với sản phẩm Anka Milk cũng ghi nhận mức lỗ tổng cộng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2019.

Công ty cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam được thành lập từ tháng 7/2014, có trụ sở chính tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1977, TP.HCM) là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là chủ tịch HĐQT công ty.
 
Hải Yến