Chủ tịch FPT: Nguy bao giờ cũng đi với cơ, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20%

Trang Mai 19:11 | 15/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 tổ chức chiều 15/4, ban lãnh đạo CTCP FPT (mã: FPT) đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 20%, con số được đánh giá là đầy thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc, xung đột địa chính trị gia tăng và chính sách thuế quan biến động.

‏Kế hoạch năm 2025 "kỷ luật bằng mọi cách phải làm"

‏Toàn cảnh ĐHĐCĐ 2025 của FPT. Ảnh: FPT.‏

Theo tài liệu được công bố, n‏‏ăm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 75.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ; tăng lần lượt 20% và 21% so với con số kỷ lục đạt được năm 2024.‏

‏Nếu đạt được con số trên thì đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp FPT ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ và là năm thứ 5 tăng trên 20%.‏

 

‏Đánh giá về kế hoạch kinh doanh năm 2025, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT nhìn nhận: “‏‏Về mức tăng trưởng 20%, đúng là thế giới đang khó khăn ngút ngàn. FPT vẫn đặt mục tiêu như vậy bởi vì đó là kỷ luật phải bằng mọi cách để làm. Nguy bao giờ cũng đi với cơ”.‏‏ "Có thể nói, là khó khăn ngút trời, và những cơ hội không thể tưởng tượng được. Phải nói rằng chúng ta đang đi vào giai đoạn, mà khi tôi nói chuyện với mọi người, tất cả đều không nói được gì về tương lai”, vị lãnh đạo nói thêm. ‏

‏Tuy nhiên, người đứng đầu tập đoàn cũng cho rằng, cơ hội của Việt Nam là rất lớn bất chấp những khó khăn của bối cảnh chung.

Đánh giá về kế hoạch này, ‏‏Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa cũng cho rằng đây là "một nhiệm vụ rất thách thức trong bối cảnh hiện nay". “Chúng tôi rất can đảm đặt con số cho bản thân mình, nhưng chúng tôi cũng không chủ quan. Chúng tôi sẽ theo sát thực tiễn để đưa ra các kịch bản hoàn thành mục tiêu đề ra”. ‏

‏Theo tiết lộ của vị Tổng Giám đốc, ngay sau khi các mức thuế quan của chính quyền Mỹ được công bố, FPT đã lập tức thông báo trong nội bộ rằng tập đoàn sẽ cắt 30% toàn bộ các chi phí không liên quan đến hoạt động kinh doanh “để thích ứng với tương lai bất định”.

Hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hạ tầng AI và Cloud hàng đầu khu vực

‏Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa, FPT hiện nay đã chuyển đổi từ làm dịch vụ gia công phần mềm, sang cung cấp dịch vụ tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt tập trung ở các thị trường phát triển có dân số đang già đi. Ở thị trường nước ngoài, ông Khoa cho biết sẽ tập trung vào khách hàng lớn, với mỗi hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.‏

‏Nói chung khối công nghệ, lãnh đạo FPT cho biết sẽ tích hợp AI vào mọi dịch vụ, sản phẩm mới của FPT. Đồng thời, một mục tiêu quan trọng là các nhà máy AI sẽ giúp FPT trở thành nhà cung cấp hạ tầng AI và cloud đứng đầu khu vực.‏ ‏Theo kế hoạch, doanh nghiệp dự kiến đầu tư 2 trung tâm dữ liệu chuyên biệt tại Việt Nam và Nhật Bản, với ngân sách đầu tư khối công nghệ lên đến 6.000 tỷ đồng trong năm nay.‏

‏Trả lời cổ đông về lợi thế của FPT để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong ngành, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: “‏‏Giữa bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung, các nước sẽ rút ra khỏi Trung Quốc. Họ đã dùng rất nhiều lao động ở Trung Quốc và sẽ phải bù lại bằng ai? Chúng tôi đã có mặt ở Đại Liên, Thâm Quyến,… ở tất cả các nơi mà các tập đoàn lớn có mặt, để có thể nói với họ về giải pháp để giải quyết vấn đề.‏

‏Chiến tranh thương mại, tiền tệ xảy ra ai cũng khó. Nhưng hệ thống IT thì vẫn phải làm… Những liên doanh được lập ra của FPT với các nhà hào môn là để giải quyết vấn đề đó cho các tập đoàn lớn nhất thế giới.‏

‏Về sự cạnh tranh với Ấn Độ, đó là tốt cho Việt Nam. Điển hình khi sang Việt Nam, các khách hàng làm với FPT cũng phải làm với các công ty khác nữa vì họ không bao giờ muốn phụ thuộc vào một ai. Chính tâm lý không muốn phụ thuộc này của họ là đã đủ cho chúng tôi làm không hết việc”.

Đồng thời, FPT sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các đề án lớn của Chính phủ; tập trung vào những trận đánh lớn quy mô trăm triệu USD với khách hàng lớn trên toàn cầu.

Ông cũng đề cập Nghị quyết 57 là cơ hội lớn cho các công ty công nghệ, cuộc cách mạng thay đổi toàn diện, phát triển khoa học công nghệ trong nước. “Việt Nam chúng ta đang có những hậu thuẫn thay đổi từ quyết sách, do đó FPT sẽ nâng cao năng lực công nghệ, hệ thống của mình”.

Khối Viễn thông song song với việc đẩy mạnh đầu tư các trung tâm dữ liệu và hạ tầng truyền dẫn quốc tế sẽ đẩy mạnh khai thác các dịch vụ mới như: Esports, các hệ thống về IoT và các giải pháp về quản lý năng lượng.

Ông Khoa chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh chiều sâu về chất lượng, năng lực, và chiều rộng vệ đổ phủ cho các trung tâm dữ liệu. Cuối năm nay FPT sẽ đưa vào trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại tầm cỡ thế giới tại TP HCM”.

Với Giáo dục, FPT sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phổ thông, dạy nghề và đại học tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Về kế hoạch đầu tư, năm nay, FPT dự kiến chi 11.000 tỷ đồng. Đối với khối công nghệ, công ty dự kiến dành 6.000 tỷ để mở rộng các tổ hợp văn phòng tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn; đầu tư nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.

2.500 tỷ đồng dành cho khối viễn thông để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm dữ liệu.