10 tháng, FPT lãi sau thuế hơn 5.400 tỷ
Theo ước tính, doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 10 tháng năm 2023 đạt 42.465 tỷ đồng và 7.689 tỷ đồng, tăng 21% và 19,1% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng tăng 19% lên 5.407 tỷ đồng. Năm 2023, FPT đặt kế hoạch tổng doanh thu 52.289 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.055 tỷ đồng, tăng 19% và 18% so với năm trước. Sau 10 tháng, Công ty thực hiện được hơn 81% chỉ tiêu doanh thu và gần 85% mục tiêu lợi nhuận năm.
Riêng tháng 10 (ước theo kết quả tháng), FPT đạt hơn 4.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 920 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng tương ứng 10% và 16% so với cùng kỳ.
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp đạt mức doanh thu 19.790 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,8%, dẫn đầu bởi sức tăng đến từ thị trường Nhật Bản (tăng 44,1%) và APAC (tăng 35%). FPT cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu từ đơn hàng ký mới đạt 23,123 tỷ đồng, tăng 27%.
Mảng Dịch vụ CNTT trong nước ghi nhận doanh thu 5.391 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 8%.
Khối Dịch vụ Viễn thông của FPT trong 10 tháng ghi nhận doanh thu 13.022 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.579 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 10% so với cùng kỳ.
Khối Giáo dục, đầu tư, khác đạt doanh thu 4.262 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 1.588 tỷ đồng.
Trong báo cáo về ngành công nghệ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo hoạt động xuất khẩu phần mềm vẫn là đầu tàu tăng trưởng trong cuối năm 2023 của FPT.
Trong đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng trong chi tiêu CNTT của các doanh nghiệp tại Mỹ và EU sẽ tiếp tục giảm tốc do quá trình thắt chặt tín dụng của Fed, vốn đã phát tín hiệu ở doanh số ký mới trong quý III.
Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản đang tăng tốc vào năm 2023 nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số của các khách hàng đang trên đà phục hồi tốt. Vì thế, đơn vị phân tích ước tích tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm của mảng này lần lượt là 24%, 22% so với cùng kỳ.
Đối với mảng CNTT trong nước, doanh thu có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ từ nền thấp năm ngoái, bên cạnh nhu cầu phục hồi từ khối tài chính ngân hàng và tiến độ chuyển đổi số của khối Chính phủ cũng được đẩy nhanh.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận trước thuế ở mức thấp 8%, do việc bàn giao các dự án chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp tư nhân chậm lại và tỷ trọng doanh thu từ khách hàng khối Chính phủ cao hơn.
Về khối viễn thông, PayTV và dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp (DC, thuê kênh riêng) duy trì tăng trưởng lần lượt 15%, 20% so với cùng kỳ về doanh thu, trong khi dịch vụ băng thông rộng tăng trưởng chậm 6% so với cùng kỳ do thị trường bão hòa.
Ước tính, lợi nhuận mảng này tăng trưởng 21% so cùng kỳ khi tập đoàn quản lý chi phí chặt chẽ hơn và không còn chi phí lớn liên quan tới đầu tư bản quyền truyển hình như đầu năm.
Trước những phân tích trên, VDSC dự báo, CAGR (tăng trưởng kép) 3 năm của lợi nhuận sau thuế từ năm 2023 - 2026 của FPT có thể đạt 23% nhờ: Lợi thế cạnh tranh về chi phí thấp cùng lượng nhân công lớn trải khắp các múi giờ của FPT Software; Xu hướng áp dụng chuyển đổi số vẫn tăng trưởng cao sẽ giúp đảm bảo doanh số mảng xuất khẩu phần mềm trong tương lai.