SSI Research: Lợi nhuận cho FPT sẽ tiếp tục đến từ những hợp đồng quốc tế
Động lực tăng trưởng 9 tháng đầu năm đến từ CNTT nước ngoài
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, FPT đạt 37.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (NPATMI) đạt 4.740 tỷ, tăng 20%. Biên NPATMI giảm nhẹ từ 12,7% xuống 12,5%, chủ yếu do biên lợi nhuận trước thuế từ mảng công nghệ thông tin (CNTT) trong nước và quảng cáo trực tuyến.
Trong 9 tháng, CNTT nước ngoài tiếp tục là động lực tăng trưởng chính đối với lợi nhuận của FPT khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này lần lượt đạt 17.600 tỷ đồng, tăng 30,8% và 2.900 tỷ đồng, tăng 30,2%, đóng góp hơn 40% vào kết quả kinh doanh hợp nhất của FPT. Trong đó, doanh thu chuyển đổi số chiếm 44% doanh thu CNTT nước ngoài (tăng nhẹ so với 39% cùng kỳ 2022).
Tính theo khu vực, Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 39% doanh thu, tiếp theo là Mỹ (28%), APAC (26%) và Châu Âu (7%). Tăng trưởng doanh thu từ Nhật Bản là cao nhất (tăng 44%) so với tất cả các thị trường khác mặc dù đồng YÊN giảm giá 6% cùng kỳ so với VND, cho thấy mức tăng trưởng doanh thu tự nhiên là 54% svck (không tính đến tác động của chênh lệch tỷ giá) tại thị trường này.
Trong báo cáo vừa công bố, chứng khoán SSI Research ước tính riêng trong quý III, mức tăng trưởng doanh thu của FPT từ Nhật Bản lên tới 55%.
Công ty chứng khoán phân tích, mức tăng trưởng ổn định từ thị trường này đến từ nhiều lý do. Đầu tiên, chuyển đổi số của Nhật Bản bị tụt lại so với Mỹ và Châu Âu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đứng thứ 29/63 quốc gia về kiến thức, khả năng phát triển công nghệ số và mức độ sẵn sàng khai thác chuyển đổi số (theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu 2022), thậm chí xếp sau một số nước APAC như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Qatar và New Zealand. Vì vậy, quốc gia này đã đẩy mạnh chi tiêu cho chuyển đổi số trong những năm gần đây.
Thứ hai, không giống như các thị trường khác, các doanh nghiệp Ấn Độ, có uy tín và hiểu biết chuyên ngành sâu hơn FPT, có độ hiện diện rất hạn chế ở Nhật Bản do rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Các công ty Trung Quốc cũng đang dịch chuyển khỏi Nhật Bản để phục vụ ngành CNTT trong nước đang phát triển mạnh. Nhờ lợi thế chi phí rẻ cũng như khả năng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, FPT được hưởng lợi nhiều nhất.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu ký mới của FPT có phần thu hẹp (tăng 23,2% so với cùng kỳ so với tăng 42,6% trong 9 tháng 2022 và tăng 39% trong năm 2022), chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng doanh thu ký mới từ thị trường Mỹ chậm lại. Theo FPT, nguyên nhân là do bối cảnh kinh tế vĩ mô của thị trường Mỹ không thuận lợi.
Mảng CNTT trong nước gặp khó khăn do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty (đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản). FPT đã duy trì mức tăng trưởng doanh thu của mảng này (10,3% thông qua các hợp đồng với khối chính phủ, bộ ban ngành, công ty nước ngoài và các lĩnh vực khác ít bị ảnh hưởng bởi kinh tế, từ đó giảm biên lợi nhuận trước thuế xuống 5,1% từ 8,6% trong 9 tháng 2022.
Mảng viễn thông ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 8,2% và 2.300 tỷ đồng, tăng 6. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu dịch vụ viễn thông. Tương tự như CNTT trong nước, quảng cáo trực tuyến (bao gồm quảng cáo trực tuyến và tổ chức sự kiện) bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế trong nước, dẫn đến mức chi tiêu quảng cáo so với cùng kỳ của các doanh nghiệp sụt giảm.
Mảng giáo dục, đầu tư và khác doanh nghiệp ghi nhận 3.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 65% và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 47,9%. Trong đó doanh thu giáo dục tăng tới 43%.
Trong năm 2023, FPT mở rộng độ nhận diện tại thị trường Mỹ thông qua M&A và hợp tác với 3 công ty Mỹ và khai trương FPT Mexico. Trong tháng 9, FPT đã thành lập một văn phòng mới tại Mexico. Theo FPT, văn phòng này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động ở thị trường Mỹ tập trung vào các khách hàng lớn cũng như tăng cường sự hiện diện tại Mỹ Latinh.
Triển vọng lợi nhuận năm 2023-2024
Về mảng CNTT nước ngoài, SSI Research dự đoán lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hai chữ số trong năm 2024 (tăng 26%), nhưng thấp hơn so với năm 2023 do doanh thu ký mới tăng trưởng chậm lại trong 9 tháng đầu năm 2023. Mức tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường Nhật Bản và APAC, nhờ nhu cầu chuyển đổi số cao và mức độ thâm nhập cao hơn của FPT tại các thị trường này. Đơn vị kỳ vọng việc chi tiêu CNTT chậm lại trong năm 2023 sẽ thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu CNTT trong năm 2024.
Cùng đó, thị trường Mỹ sẽ tạo ra mức tăng trưởng doanh thu 12% so với cùng kỳ trong năm 2024, nhờ FPT tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Về mảng CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến, SSI Research chưa chắc chắn về sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, kỳ vọng lợi nhuận trước thuế mảng CNTT trong nước sẽ đi ngang và quảng cáo trực tuyến sẽ tăng 3% từ mức nền thấp trong năm 2023.
Cùng với CNTT toàn cầu, giáo dục sẽ là động lực tăng trưởng khác cho FPT. Dự báo doanh thu của mảng giáo dục tăng 25% trong năm 2024 nhờ các trường công lập trong nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu giáo dục và FPT sẽ được hưởng lợi từ lứa sinh viên đầu tiên trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch điện tử.