Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành và hành trình lãnh đạo Vietcombank dẫn đầu với lợi nhuận `khủng` 1 tỷ USD
Ông Nghiêm Xuân Thành - lãnh đạo Vietcombank - được xem một trong những Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong hệ thống các Ngân hàng tại Việt Nam.
Chủ tịch Vietcombank là ai?
Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành sinh ngày 02/11/1969 tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng Vietcombank.
Gia đình chủ tịch Vietcombank gồm có bố là ông Nghiêm Xuân Bút, sinh năm 1939, đã từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đã nghỉ hưu. Mẹ đẻ là bà Dương Thị Thuần, sinh năm 1941, là nội trợ tại gia đình. Vợ là Hà Kim Ngọc, sinh năm 1975, công tác trong ngành ngân hàng. Ông Nghiêm Xuân Thành có 2 người con. Con trai là Nghiêm Xuân Long, con gái là Nghiêm Hà Linh.
Chân dung chủ tịch Nghiêm Xuân Thành của ngân hàng Vietcombank
Ông Thành đã gắn bó với ngành ngân hàng kể từ tháng 10 năm 1988 tính đến nay đã hơn 32 năm. “Con đường sự nghiệp” của vị Chủ tịch tài năng này cũng được đánh giá là khá hanh thông với vị trí đầu tiên tại phòng kế toán và sau đó là phòng kinh doanh của ngân hàng công thương (VietinBank) Vĩnh Phúc.
Tới tháng 9/1994 ông là Trưởng phòng Kế toán VietinBank Phúc Yên; tháng 5/1999 làm Phó chánh văn phòng - Thư ký Tổng giám đốc VietinBank; tháng 7/2002 làm Trưởng ban Thư ký Hội đồng Quản trị VietinBank.
Trong ngành, ông Nghiêm Xuân Thành được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý rủi ro và xử lý nợ. Tại VietinBank, ông Thành từng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Quản lý rủi ro và nợ có vấn đề từ tháng 11/2003; và là Trưởng phòng Quản lý nợ có vấn đề từ tháng 3/2006.
Ông Thành khi còn đương nhiệm tại Vietinbank
Từ tháng 8/2008, ông Thành được bổ nhiệm làm Giám đốc VietinBank - chi nhánh Thanh Xuân; Giám đốc VietinBank - chi nhánh Đống Đa (10/2010) và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc VietinBank từ tháng 1/2012.
Hành trình "chèo lái" con thuyền Vietcombank
Từ tháng 6/2012, ông Nghiêm Xuân Thành được điều chuyển và bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và sau một năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, ông Thành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietcombank.
Cụ thể, ngày 29/7/2013, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức công bố quyết định của Hội đồng Quản trị về việc bổ nhiệm ông Nghiêm Xuân Thành - thành viên Hội đồng Quản trị - giữ chức Tổng giám đốc.
Ông Thành đã "chèo lái" Vietcombank 7 năm
Tuy thời gian ông làm việc tại Vietcombank có phần "khiêm tốn" hơn so với thời gian ông là người VietinBank. Song trong thời gian lãnh đạo tại Vietcombank của ông đã để lại vô vàn điểm sáng đầy ấn tượng thông qua việc đưa ngân hàng này đạt được những thành tựu đáng nể trong ngành lịch sử ngân hàng Việt Nam.
Xét về con số tăng trưởng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2010 - 2019 của Vietcombank ở mức 32%/năm. Sau một thời gian từ 2010 - 2015 "đi ngang" không mấy bứt phá để dành nguồn lực xử lý gọn nợ xấu, lợi nhuận của Vietcombank bắt đầu đi lên mạnh mẽ từ năm 2016, lấy lại ngôi vương lợi nhuận và duy trì suốt từ đó tới nay với khoảng cách ngày càng xa so với nhóm phía sau. Tính đến cuối năm 2019, lợi nhuận trước thuế của một số ngân hàng cộng lại vẫn chưa bằng con số 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế mà Vietconbank có được trong năm 2019.
Biểu đồ lợi nhuận trước thuế của Vietcombank từ năm 2010 - 2019
Trong hội nghị 1/2020 về tổng kết và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, theo đó, kết thúc năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đạt 22.717 tỷ đồng, tăng 26%. Lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 23.155 tỷ đồng, về đích lợi nhuận tỷ USD trước một năm so với kế hoạch.
Các chỉ tiêu tài chính tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trung bình (ROAA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn trung bình (ROAE) đạt tương ứng là 1,59% và 25,51%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn so với mặt bằng chung.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietcomBank cho biết, năm 2019, dù lãi suất thấp nhất thị trường song huy động vốn của Vietcombank vẫn tăng mạnh. Tín dụng tăng 15,9%, cao nhất trong các ngân hàng lớn, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Chất lượng nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát chặt chẽ, thu hồi nợ xấu và nợ ngoại bảng đạt kết quả tốt. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chi còn 0,77%, giảm so với mức 0,97% cuối năm 2018.
Những thành tựu trên đã được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá cao những kết quả Vietcombank đã đạt được.
Vietcombank luôn trong vị thế "anh cả" của ngành ngân hàng Việt Nam
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ ngân hàng Vietcombank và người đứng đầu là Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành đã giúp Vietcombank ngày càng mở rộng và phát triển vượt bậc, thể hiện ở việc luôn nằm trong top 5 ngân hàng nhà nước lớn nhất Việt Nam, góp phần khẳng định ưu thế là một ngân hàng lớn và uy tín trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Điều đáng nói, vị trí dẫn đầu Vietcombank không chỉ phản ánh ở con số lợi nhuận mà trên nhiều khía cạnh khác: nợ xấu ở mức thấp, ngân hàng đầu tiên đáp ứng Basel II, ngân hàng Việt đầu tiên mở VPĐD tại Mỹ,...
Quyết tâm mở rộng mục tiêu lợi nhuận, vượt mốc lợi nhuận 1 tỷ USD
Đầu năm 2020 Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 26.600 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2020, mong được tăng tín dụng trên 14%. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Thành, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên ngân hàng phải điều chỉnh mục tiêu tín dụng cũng như tăng trưởng tín dụng để cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Vietcombank giảm 10% trên tổng số lãi phải trả từ 15.4 - 30.6 cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tính ra số tiền phải giảm là 2.240 tỉ đồng (ngang bằng lợi nhuận của một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ và vừa).
Với vị thế số 1 trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam, HĐQT Vietcombank đã định hướng hoạt động kinh doanh năm 2020 theo 4 trọng tâm lớn để duy trì "ngôi vương". Cụ thể, Vietcombank sẽ giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ; thứ hai, gia tăng thu nhập phi tín dụng; thứ ba, cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững và cuối cùng đẩy mạnh phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ cạnh tranh trên nền tảng công nghệ.
Mục tiêu đường dài của Vietcombank không chỉ dừng lại ở thống lĩnh thị trường Việt Nam mà còn hướng tới vươn tầm châu Á
“Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu đi thì Vietcombank cũng phải hạ cánh mềm. Tuy nhiên, an toàn phải đi cũng với hiệu quả, bền vững, trách nhiệm. Đặc biệt phải đổi mới, sáng tạo tăng sức cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt”, ông Thành nói.
Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác lập trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 Ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Thanh Thùy (T/h)